Thông báo số 78/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp với Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty lương thực miền Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 78/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 09/03/2009 |
Ngày có hiệu lực | 09/03/2009 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Viết Muôn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 78/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2009 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP VỚI TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN BẮC VÀ TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM
Ngày 04 tháng 3 năm 2009, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty lương thực miền Nam về kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2008, phương hướng, nhiệm vụ năm 2009. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Phát triển, các Ngân hàng thương mại; Ngoại thương, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đầu tư và Phát triển; Hội đồng quản trị các Tổng công ty: Lương thực miền bắc, Lương thực miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Sau khi nghe Tổng giám đốc các Tổng công ty báo cáo, ý kiến các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Trong các năm qua, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam (hai tổng công ty) đã có rất nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, phát triển thành các tổng công ty mạnh trong sản xuất, kinh doanh, chế biến lương thực, quy mô doanh nghiệp lớn nhanh từ nguồn tự tích lũy, hiệu quả hoạt động được nâng lên. Hai tổng công ty đã thoát ra khỏi tình trạng tài chính không lành mạnh do cơ chế cũ để lại, đã giải quyết hết nợ tồn đọng. Hai tổng công ty là chủ lực, có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược về lương thực và chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nông dân. Lãnh đạo hai tổng công ty đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về thu mua lúa hàng hóa cho nông dân, xuất khẩu có hiệu quả, tham gia bình ổn giá cả thị trường trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Năm 2008 là năm có nhiều khó khăn, tình hình thời tiết những tháng đầu năm diễn biến bất thường, hạn hán và rét đậm, rét hại xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, lũ lụt ở miền trung; lạm phát tăng cao trong 09 tháng đầu năm, đến 03 tháng cuối năm kinh tế lại bước vào suy giảm. Do đó, các chính sách vĩ mô phải thay đổi: từ chủ trương kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ chuyển sang chống suy giảm kinh tế. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng hai tổng công ty đã bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ động theo dõi sát sao, nắm vững tình hình diễn biến của thị trường lương thực trong nước và thế giới, đề ra các giải pháp kịp thời, hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Hai tổng công ty đã cơ bản làm tốt nhiệm vụ chủ lực trong việc thu mua lúa hàng hóa với giá cả có lợi cho nông dân; điều hòa lương thực trong cả nước, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh; góp phần giữ giá gạo tiêu dùng hợp lý; đã đầu tư vào chế biến, mở hệ thống bán lẻ lương thực, thực phẩm, góp phần tăng doanh thu và đóng góp tích cực vào công tác bảo đảm an sinh xã hội. Hai tổng công ty là lực lượng chủ lực trong xuất khẩu lương thực; đã kinh doanh có lãi, doanh thu và nộp ngân sách tăng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, bảo đảm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tổng công ty Lương thực miền Nam đã chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Hai tổng công ty đều đã cơ cấu lại và cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, qua đó sức mạnh tổng công ty tăng lên, thích nghi tốt hơn với cơ chế thị trường…
Tuy nhiên, trong hoạt động, hai tổng công ty cũng còn nhiều hạn chế. Việc thu mua lúa hàng hóa cho nông dân còn thiếu chủ động và chưa làm tốt vai trò chủ đạo, chủ lực trong việc kết hợp với các địa phương, các thành phần kinh tế khác để triển khai kịp thời, nhất là vụ hè thu, vụ mùa, nên còn để xảy ra tình trạng tồn đọng nhiều lúa hàng hóa trong dân, để tư thương ép giá và có lúa chưa bảo đảm được lợi nhuận cho nông dân như chủ trương đề ra của Chính phủ. Chậm hình thành hệ thống cung ứng bán buôn, bán lẻ lương thực, chưa kịp thời đối phó với biến động của thị trường nên còn để xảy ra tình trạng sốt ảo giá gạo vào tháng 4 năm 2008. Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo nhưng hai tổng công ty chưa tạo được thương hiệu mạnh và chưa có thị trường ổn định. Chậm đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa bảo quản cho dự trữ lưu thông nên chưa chủ động thu mua hết lúa hàng hóa, tạo nguồn hàng chủ động cho xuất khẩu với giá cả có lợi. Chưa hình thành được hệ thống và cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, hợp tác xã và người trồng lúa từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để cùng có lợi.
II. NHIỆM VỤ TRONG NĂM 2009
Cần tiếp tục khẳng định, đối với một đất nước đông dân, có tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu; tỷ lệ nông dân lớn trong cơ cấu dân số, thì phát triển lương thực, nhất là lúa gạo, là lợi thế lớn, luôn là một trọng tâm trong chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Việc này, một mặt nhằm bảo đảm cho nông dân gắn bó với đồng ruộng, giữ diện tích đất trồng lúa, ổn định và nâng cao thu nhập để không ngừng cải thiện cuộc sống cho người trồng lúa, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực cho đất nước. Để thực hiện chủ trương này, các Bộ và hai tổng công ty cần thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hai tổng công ty có kế hoạch cụ thể tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, chủ lực về kinh doanh lương thực, nòng cốt trong Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chủ động mua hết lúa hàng hóa cho nông dân với giá cả hợp lý; xuất khẩu có hiệu quả; bình ổn giá cả thị trường trong nước nhằm góp phần phát huy tốt nhất lợi thế sản xuất lúa gạo của cả nước.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động điều tra chi phí sản xuất, xác định giá thành sản xuất của từng vụ lúa để làm cơ sở xác định giá thu mua, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên và để làm căn cứ thương thảo ký hợp đồng xuất khẩu, xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả. Trường hợp vì giá mua lúa bảo đảm có lãi thấp nhất 30% cho người trồng lúa mà xuất khẩu bị lỗ, Chính phủ sẽ xem xét, xử lý thỏa đáng cho doanh nghiệp.
3. Về xuất khẩu gạo: Hai tổng công ty tiếp tục khai thác tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết, thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Có kế hoạch, phương án xâm nhập thị trường lúa gạo thế giới (đầu tư sản xuất, mua bán lúa gạo trên thế giới). Đối với một số thị trường xuất khẩu lớn, ổn định, cần nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan để chủ động giữ thị trường.
4. Hai tổng công ty phải bàn với các địa phương sản xuất lúa xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
5. Về thị trường trong nước: hai tổng công ty chủ đạo trong việc bảo đảm cung ứng lương thực tiêu dùng trong nước; mở rộng hệ thống bán buôn, bán lẻ trong cả nước để tham gia điều hòa cung cầu, bình ổn giá cả trong nước.
6. Hai tổng công ty phải làm nòng cốt, chủ lực trong triển khai đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa, sân phơi, sấy. Việc xây dựng hệ thống kho chứa phải gắn với vùng sản xuất hàng hóa, quy mô kho phù hợp, có công nghệ bảo quản hiện đại, bảo đảm chất lượng lúa hàng hóa. Trong năm 2009 – 2010 phải cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống kho chứa và chợ đầu mối nông sản ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để chủ động thu mua hết lúa hàng hóa cho nông dân và bảo đảm chủ động nguồn hàng xuất khẩu.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các ngân hàng thương mại bảo đảm đủ vốn để hai tổng công ty thực hiện việc này.
7. Tổng công ty Lương thực miền Nam khẩn trương triển khai xây dựng chợ đầu mối tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang giải quyết nhanh mọi thủ tục để việc này được triển khai sớm.
8. Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính và thành phố Cần Thơ hỗ trợ Tổng công ty Lương thực miền Nam khẩn trương đầu tư, mở rộng, nâng cấp Cảng Trà Nóc (thuộc Tổng công ty) để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vận chuyển lương thực xuất khẩu nhằm giảm chi phí xuất khẩu và giảm tải cho các Cảng ở thành phố Hồ Chí Minh.
9. Hai tổng công ty tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh để phát triển thành tập đoàn kinh tế mạnh về kinh doanh lương thực, thực phẩm.
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA HAI TỔNG CÔNG TY
1. Tổng công ty Lương thực miền Bắc là đầu mối, khẩn trương đàm phán và ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo vào Iraq; cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc phân bổ thị phần để thực hiện.
2. Về chính sách thuế: Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu về thuế giá trị gia tăng đối với bán lẻ lương thực, thực phẩm và phụ phẩm xay sát từ lúa như: tấm, cám, trấu theo hướng hỗ trợ phát triển kênh phân phối bán lẻ của các công ty lương thực, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2009.
3. Về đầu tư kho chứa:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương khẩn trương rà soát quy hoạch và chất lượng kho chứa của hai tổng công ty.
- Hội đồng quản trị hai tổng công ty lập dự án đầu tư xây dựng từng kho, chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định đầu tư, kể cả việc quyết định chỉ định thầu xây dựng các công trình xây dựng kho lương thực đúng kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm chất lượng.
- Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho hai tổng công ty được áp dụng mức vốn đối ứng là 20%.