Thông báo số 681/LĐTBXH-TTr về việc tình hình tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố trong năm 2007 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 681/LĐTBXH-TTr
Ngày ban hành 20/02/2008
Ngày có hiệu lực 20/02/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Trần Trung Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 681/LĐTBXH-TTr

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG CHẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRONG NĂM 2007.

Trong năm 2007 các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố đã xảy ra 89 vụ tai nạn lao động chết người, làm chết 89 người, làm bị thương 6 người, giảm 10 vụ tai nạn lao động chết người so với năm 2006 (giảm 10%).

Phân tích nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động: có 28/89 vụ do thiết bị không đảm bảo an toàn (chiếm tỷ lệ 22,47%); 19/89 vụ do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 21,35%); 15/89 vụ do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn (chiếm tỷ lệ 16,85%); 8/89 vụ do điều kiện làm việc không an toàn (chiếm tỷ lệ 9%); 5/89 vụ do không có phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm tỷ lệ 5,62%); 5/89 vụ do người lao động bất cẩn trong khi làm việc (chiếm tỷ lệ 5,62%); 3/89 vụ do không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (chiếm tỷ lệ 3,37%); 2/89 vụ do không được huấn luyện (chiếm tỉ lệ 2,24%), 4/89 vụ do các nguyên nhân khác (chiếm tỉ lệ 4,5%). So với năm 2006 số vụ do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn tăng 72,7% (19/11 trường hợp), số vụ do thiết bị không bảo đảm an toàn giảm 24,3% (28/37 trường hợp), số vụ do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn toàn giảm 31,8% (15/22 trường hợp).

Phân tích theo yếu tố gây tai nạn lao động: do yếu tố điện: 32/89 vụ (chiếm tỷ lệ 35,95%); ngã từ trên cao 22/89 vụ (chiếm tỉ lệ 24,72%); do vật rơi, đổ 9/89 vụ (chiếm tỉ lệ 10,1%); do máy cuốn, ép 9/89 vụ (chiếm tỉ lệ 10,1%); do vật văng, bắn 5/89 vụ (chiếm tỉ lệ 5,62%); do ngạt nước 4/89 vụ (chiếm tỉ lệ 4,5%); do thiết bị nâng 3/89 vụ (chiếm tỉ lệ 3,37%); do các yếu tố khác 5/89 vụ (xe cán, cháy nổ hóa chất, nổ thiết bị áp lực, sét đánh - chiếm tỉ lệ 5,7%). So với năm 2006 số vụ do yếu tố điện giảm 15,8% (32/38 trường hợp), số vụ do ngã cao giảm 15,4% (22/26 trường hợp), số vụ do máy cuốn, ép tăng 80% (9/5 trường hợp). Có 15/89 (chiếm tỷ lệ 16,85%) vụ tai nạn lao động chết người liên quan đến thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (14 vụ có liên quan đến thiết bị nâng, 1 vụ có liên quan đến thiết bị áp lực).

Phân tích theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp: doanh nghiệp hoạt động xây dựng có 43 trường hợp (chiếm tỷ lệ 48,3%), sản xuất công nghiệp có 17 trường hợp (chiếm tỷ lệ 19,1%), cơ sở dịch vụ, trường học, vận tải có 16 trường hợp (chiếm tỷ lệ 17,9%); cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp 13/89 (chiếm tỷ lệ 14,6%). So với năm 2006, tai nạn lao động chết người trong hoạt động xây dựng giảm 17,3% (43/52 trường hợp), trong hoạt động sản xuất giảm 6% (30/32 trường hợp), trong lĩnh vực dịch vụ tăng 6,7% (16/15 trường hợp).

Phân tích theo loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH có 37/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 41,6%), Công ty cổ phần 24/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 27%); cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh có 13/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 14,6%); Công ty TNHH Một thành viên có 4/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,5%); doanh nghiệp có vốn nước ngoài 4/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,5%); doanh nghiệp tư nhân, hơp tác xã có 4 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,5%); trường học, nhà hàng có 3/89 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,4%). Doanh nghiệp trong Các Khu chế xuất, khu công nghiệp có 8/89 trường hợp, tăng 3 trường hợp so với năm 2006.

Phân tích số liệu thống kê các vụ tai nạn lao động chết người cho thấy:

- Trong hoạt động xây dựng tai nạn lao động chết người có giảm so với năm 2006 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, yếu tố gây mất an toàn lao động (ngã cao từ giàn giáo, sàn thao tác; sập đổ giàn giáo, giàn chống đổ bê tông; điện giật do máy trộn bê tông, do máy khoan đục bê tông, do hệ thống điện trên công trường, do các tời nâng thủ công …);

- Trong sản xuất công nghiệp, sản xuất cơ khí do máy móc thiết bị không đảm bảo an toàn; một số máy móc tự chế không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn (máy ó keo, máy nâng chuyển hàng, tời nâng thủ công…), sử dụng các máy cầm tay, máy khoan đục bê tông, máy bơm, … không đảm bảo an toàn về điện. Lưu ý yếu tố gây tai nạn lao động do điện giật là rất cao, khi di chuyển máy, thiết bị điện nhưng không cắt điện, do sử dụng máy hàn nhưng trang bị kìm hàn tự chế; yếu tố do ngạt nước khi di chuyển, làm việc trên sông nước không được trang bị áo phao, làm việc trong hầm kín không có phương án làm việc an toàn, không thông gió, không có phương tiện cứu hộ phù hợp; do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm quy trình biện pháp làm việc an toàn, bất cẩn trong khi làm việc…

- Trong loại hình doanh nghiệp tư nhân (CT TNHH, CTCP, DNTN, Hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất…) hầu hết các trường hợp tai nạn lao động người sử dụng lao động thiếu sự hiểu biết về pháp luật lao động, không có bộ máy bảo hộ lao động, không tổ chức tự kiểm tra trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Liên tịch Bộ Lao động –TBXH – Bộ Y tế- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

- Trong kỳ báo cáo năm 2007 chỉ có 534 đơn vị, cơ sở (trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố phải báo cáo thống kê tai nạn lao động định kỳ theo quy định của nhà nước) có báo cáo định kỳ về tai nạn lao động năm 2007 cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xin thông báo đến các Sở Ngành, quận huyện, các doanh nghiệp tình hình tai nạn lao động trong năm 2007 và đề nghị các đồng chí thủ trưởng các Sở, Ngành thành phố, UBND Quận - Huyện, các Tổng Công ty, cơ quan quản lý cấp trên doanh nghiệp thực hiện các nội dung sau đây:

1. Phối hợp tuyên truyền thông tin về tình hình tai nạn lao động chết người trên địa bàn thành phố trong năm 2007 đến các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhân dịp Tuần lễ Quốc gia về An toàn - Vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ năm 2008 (từ 16/03/2008 đến 22/03/2008) để rút kinh nghiệm phòng chống tai nạn lao động, sự cố sản xuất; chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp trong phạm vi quản lý rà soát kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện AT-VSLĐ-PCCN tổ chức thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, chấp hành đúng các quy định pháp luật của nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, công tác phòng chống cháy nổ.

2. Đề nghị các Sở, Ngành thành phố, UBND Quận - Huyện, các Tổng Công ty, cơ quan quản lý cấp trên doanh nghiệp tăng cường hoạt động kiểm tra AT-VSLĐ-PCCN đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; tập trung kiểm tra về an toàn điện, an toàn lao động trong xây dựng; kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lao động.

3. Tăng cường hoạt động huấn luyện cho đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động, tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, các cơ sở sản xuất cơ khí, ép nhựa, các cơ sở có sử dụng hàn điện, các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng thiềt bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động (vận thăng, tời nâng hàng, nồi hơi, chai chứa khí nén, bình chịu áp lực…) theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ Lao động TBXH. Kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc các đơn vị cá nhân để xảy ra tai nạn lao động.

4. Phổ biến và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Liên tịch Bộ Lao động –TBXH – Bộ Y tế- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra về AT-VSLĐ trong phạm vi doanh nghiệp, thường xuyên kiểm tra máy, thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc đảm bảo cho người lao động làm việc trong môi trường an toàn; xây dựng đầy đủ các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn và hướng dẫn cho người lao động thực hiện.

5. Định kỳ (6 tháng và 1 năm) báo cáo về bảo hộ lao động, báo cáo tai nạn lao động về Sở Lao động TBXH theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 14/1998/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 31/10/1998 của Liên tịch Bộ Lao động –TBXH – Bộ Y tế- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT/BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN ngày 08/03/2005 của Liên Bộ Lao động TBXH – Bộ Y tế – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về khai báo, điều tra thống kê báo cáo định kỳ tai nạn lao động.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH; “để b/c”
- TT.UBND/TP; VP.UBND TP “để b/c”
- Các sở ban ngành TP,TW; “để phối hợp”
- UBND quận, huyện; “để phối hợp”
- Ban QL KCX-KCN; “để phối hợp”
- Các TCT, CT; “để phối hợp”
- Các báo, đài; “để phối hợp thông tin”
- Lưu.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC




Trần Trung Dũng

 

PHỤ LỤC:

MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP TAI NẠN LAO ĐỘNG CHẾT NGƯỜI, SỰ CỐ THIẾT BỊ NGHIÊM TRỌNG XẢY RA TRONG NĂM 2007

1. Lúc 12 giờ 25 phút ngày 06/01/2007 tại Công ty TNHH SX-TM L.H.T, (quận.Gò Vấp) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Nguyễn Tuấn Kiệt (1982). Diễn biến: Công ty L.H.T hoạt động sản xuất giấy. Công nhân Kiệt có nhiệm vụ cho giấy vào miệng cối nghiền. Công nhân Kiệt thấy máy bơm nước vào cối nghiền hụt nước nên đến máy bơm dự định mồi nước. Khi đi ngang qua thùng lọc dù của máy xeo giấy, công nhân Kiệt chạm vào thùng inox và bị điện rò từ moteur điều khiển cánh khuấy giật dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: hệ thống điện phục vụ sản xuất không đảm bảo an toàn, thiết bị moteur điện không được nối đất, nối không để phát hiện dòng điện rò.

2. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 15/01/2007 tại hộ kinh doanh cá thể BTV (quận 8) xảy ra vụ tai nạn điện giật làm chết công nhân Bùi Văn Trung (1977). Diễn biến: Cơ sở BTV sản xuất bún tươi, công nhân Giang phụ trách máy xay gạo thành bột, công nhân Trung phụ việc. Đến 10 giờ 30 phút ngày 15/01/2007, khi công nhân Trung đang vận hành máy xay gạo thì bị điện giật dẫn đến tử vong. Khám nghiệm hiện trường cho thấy tại hộp nối dây điện của moteur có 1 sợi dây điện do quấn băng keo không kín nên lộ ra lõi dây đồng chạm vào vỏ moteur gây rò điện. Nguyên nhân: Hệ thống điện thiết bị máy xay gạo không an toàn, moteur được nối đất nhưng không đúng kỹ thuật, không có tác dụng cắt điện khi có dòng điện rò ra vỏ moteur.

3. Lúc 5 giờ 10 phút ngày 26/01/2007 tại xưởng sản xuất của Công ty K.VN (quận Thủ Đức) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Nguyễn Văn Thêu (1982) là công nhân bộ phận cơ khí 1. Diễn biến: Công nhân Thêu được phân công nhiệm vụ vận hành máy dập (450 tấn) tạo hoa văn trên sản phẩm cán dao inox trong ca làm việc từ 20 giờ 00' ngày 25/01/2007 đến 4 giờ 00' ngày 26/01/2007, sau đó được bố trí tăng ca từ 4 giờ 00' đến 6 giờ 30'. Lúc 5 giờ 10' ngày 26/01/2007, trong lúc đưa phôi vào khuôn máy dập do sơ ý, công nhân Thêu để phôi nằm không đúng vị trí giữa tâm khuôn dập làm phôi bị đứt và văng trúng bụng công nhân Thêu gây tai nạn. Nguyên nhân: công nhân vi phạm quy trình hướng dẫn vận hành máy dập do giám đốc công ty ban hành.

4. Lúc 4 giờ 30 phút ngày 07/03/2007 tại CTLD PA (quận Bình Tân) xảy ra vụ tai nạn lao động làm chết công nhân Đinh Văn Ưng (1987). Diễn biến: nhóm công nhân gồm 04 người sử dụng tời nâng móc vào một thùng thép để chuyển phôi bánh lên lầu, đến chuyến thứ 3, khi kéo xe ra thì bánh xe bị kẹt vào khe hở giữa sàn và thùng sắt. Công nhân Ưng vào đẩy xe ra thì thùng sắt bị rời khỏi móc của tời nâng nên rơi xuống đất, làm cho công nhân Ưng bị kẹt đầu vào giữa vách và thùng sắt dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: Thiết bị tời nâng tự chế, không được kiểm định kỹ thuật an toàn, không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn.

5. Lúc 13 giờ 45 phút ngày 07/03/2007 tại lầu 7 Công trình xây dựng Lô B Chung cư Bàu Cát 2, thuộc phường 10 quận Tân Bình, xảy ra vụ tai nạn ngã cao làm chết anh Nguyễn Văn Hải (1975) là công nhân của XN XLCT 2 (quận Tân Bình). Diễn biến: Vào lúc 13 giờ 30' ngày 07/3/2007, 02 công nhân Nguyễn Văn Hải và Trần Văn Đỉnh được phân công làm sơn nước trong phòng khu vực lầu 7 tại công trình. Các anh Hải và Đỉnh sử dụng sàn thao tác cao 0,9 mét để thi công. Sàn được đặt trên đống gạch, gần khu vực giếng trời. Sau khi lắp xong sàn thao tác, công nhân Hải trèo lên sàn, sơ ý té lọt qua khoảng trống của giếng trời rơi xuống đất từ độ cao 22 mét dẫn đến tử vong. Nguyên nhân: không có biện pháp thi công an toàn gần khu vực giếng trời, mép sàn tầng; giếng trời không có lưới bảo vệ chống người, vật rơi.

[...]