Thông báo số 51/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng năm 2006, 5 năm 2006 - 2010 và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty Xi măng Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 51/TB-VPCP
Ngày ban hành 06/03/2006
Ngày có hiệu lực 06/03/2006
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Doanh nghiệp

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 51/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NĂM 2006, 5 NĂM 2006 - 2010 VÀ SẮP XẾP ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP CỦA TỔNG CÔNG TY XI MĂNG VIỆT NAM

Ngày 22 tháng 02 năm 2006, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng năm 2006, 5 năm 2006 - 2010 và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam báo cáo và ý kiến phát biểu của các Bộ, Ban, ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

Thời gian vừa qua, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, tăng năng lực sản xuất và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phấn đấu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, làm nòng cốt trong việc đáp ứng nhu cầu xi măng cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bình ổn giá cả xi măng trên thị trường.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt đựơc vẫn còn nhiều nhược điểm, như: lợi nhuận thấp, nộp ngân sách giảm, tình hình tài chính còn thiếu lành mạnh, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ, triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn quá chậm, ảnh hướng đến hiệu quả đầu tư. Những tồn tại trên đây đã kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo Tổng công ty chưa cao, sự phối hợp giữa Hội đồng quản trị với Ban Giám đốc thiếu chặt chẽ, chỉ đạo không thống nhất và thiếu quyết liệt; chất lượng tham mưu của bộ phận nghiệp vụ còn hạn chế.

2. Về định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2006 - 2010:

Cơ bản nhất trí với định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 nêu trong Báo cáo của Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Tổng công ty xi măng cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Đẩy mạnh sản xuất, khai thác có hiệu quả năng lực của các nhà máy hiện có; rà soát chặt chẽ các khoản chi phí sản xuất, thực hiện triệt để tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ xi măng chất lượng tốt với giá cả hợp lý, phù hợp với tình hình thị trường.

- Có biện pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát, cụ thể nhằm bảo đảm tiến độ các dự án lớn, quan trọng như: Bình Phước, Hà Tiên 2-2, Bút Sơn 2, Bỉm Sơn 2, Hoàng Thạch 3; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc cụ thể ở từng dự án; tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án, kiên quyết đưa các dự án này vào hoạt động trước năm 2009.

- Thực hiện các giải pháp nhằm lành mạnh hóa tài chính các doanh nghiệp trực thuộc; xây dựng phương án huy động vốn thể thực hiện các dự án đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2010; đặc biệt quan tâm giải pháp huy động vốn thông qua cổ phần hóa và thu xếp tài chính của các nhà thầu cung cấp thiết bị chính; khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng để tiến hành cơ cấu lại vốn của các Công ty xi măng Hoàng Mai, Tam Điệp.

- Đẩy mạnh công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Trong năm 2006 - 2007, Tổng công ty cần tiến hành cổ phần hóa toàn bộ các nhà máy xi măng hiện có.

Trước mắt, Tổng công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, khi có đủ điều kiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Tập đoàn Xi măng Việt Nam. Hội đồng quản trị Tổng công ty khẩn trương xây dựng Điều lệ tổ chức hoạt động và Quy chế quản lý tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo kiện toàn bộ máy phòng ban Tổng công ty đáp ứng yêu cầu hoạt động theo mô hình mới.

3. Ngành công nghiệp xi măng là ngành có nhiều lợi thế về thị trường, về nguồn nguyên liệu trong nước, tạo nên nhiều yếu tố hấp dẫn đầu tư. Bộ Xây dựng chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quy hoạch phát triển công nghệ xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; có biện pháp đôn đốc triển khai thực hiện các dự án đã có giấy phép đầu tư; tổ chức giao ban hàng tháng với các chủ đầu tư; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục và vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; thường xuyên rà soát để cập nhật, bổ sung kịp thời vào Quy hoạch những dự án mới.

4. Về các kiến nghị của Tổng công ty Xi măng:

Những kiến nghị nêu ra trong báo cáo thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị Tổng công ty Xi măng Việt Nam. Điều quan trọng là cần tăng cường công tác phối hợp giữa Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc Tổng công ty, tăng cường trách nhiệm cá nhân, thực hiện nghiêm sự phân cấp theo các quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý đấu thầu hiện hành.

Đối với việc chỉ định các nhà thầu trong nước thực hiện một số hạng mục công trình của các dự án xi măng, tùy theo từng trường hợp, dự án cụ thể, Tổng công ty xem xét quyết định theo thẩm quyền, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP;
- PTTg Nguyễn Tấn Dũng;
- Các Bộ: XD, KH&ĐT,
TC, CN, LD&TBXH;
- Ban KTTW;
- TCT Xi măng VN;
- VPCP: BTCN, PCN Văn Trọng Lý,
PCN Phạm Viết Muôn;
Các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, TTBC, Website CP;
- Lưu: VT, CN (3).25

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM



 
Văn Trọng Lý