Thông báo 48/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với Ủy ban dân tộc do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 48/TB-VPCP
Ngày ban hành 22/02/2023
Ngày có hiệu lực 22/02/2023
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Cao Huy
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ỦY BAN DÂN TỘC

Ngày 07 tháng 02 năm 2023, tại Trụ sở Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc về tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ năm 2021 đến nay, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và một số đề xuất, kiến nghị, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo Ủy ban Dân tộc báo cáo, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt đồng chí Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan trong những năm qua, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc được chỉ đạo sát sao, nhất quán, thuận lợi và được ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện. Công tác thực hiện các chính sách dân tộc được tổ chức triển khai hiệu quả, toàn diện trên 13 lĩnh vực1, đạt một số kết quả tích cực như: Kinh tế các tỉnh có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng trưởng khá; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 2-3%/năm; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng từ 1,5 - 2 lần; hệ thống đường giao thông cơ bản thuận lợi cho đi lại và phát triển kinh tế; nhiều trường lớp, trạm y tế xã đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; chất lượng dân số, sức khỏe của đồng bào được cải thiện; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Những thành tích trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước ta.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình DTTS và MN) trên cơ sở tích hợp, kế thừa kết quả của gần 118 đề án, chính sách dân tộc giai đoạn trước với mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng phát triển; tăng mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số lên 2 lần; ổn định chỗ ở và đất sản xuất cho đồng bào, hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống của Nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp; bảo đảm an sinh xã hội, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân. Đây là nhiệm vụ chính trị nặng nề, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm, mong đợi và còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị rất cao, tinh thần trách nhiệm rất lớn và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương.

Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình DTTS và MN với 32/35 văn bản để quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình DTTS và MN; công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp được thực hiện sớm.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện Chương trình DTTS và MN vẫn còn hạn chế so với 02 chương trình mục tiêu quốc gia khác; việc ban hành các văn bản để quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chương trình DTTS và MN còn chậm; nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

II. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỜI GIAN TỚI

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian tới, đặc biệt là Chương trình DTTS và MN, đề nghị Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Tập trung, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình DTTS và MN và chủ động nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình DTTS và MN bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, tháo gỡ kịp thời vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; hoàn thành trong Quý I năm 2023.

3. Chủ động rà soát, theo dõi, giám sát, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình DTTS và MN bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thành dứt điểm các dự án và các mục tiêu đề ra; tránh đầu tư dàn trải, manh mún, không hiệu quả.

4. Thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các địa phương liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình DTTS và MN để kịp thời trả lời, hướng dẫn các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp chung khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành khác, trong đó đề xuất cụ thể cơ quan chủ trì, thời hạn hoàn thành và giải pháp tháo gỡ theo quy định.

5. Đổi mới phương thức xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Chính sách dân tộc phải phát huy thế mạnh từng vùng, miền và phù hợp với văn hóa và tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương và khuyến khích, giao cho cộng đồng người dân thực hiện những kế hoạch, dự án liên kết phát triển sản xuất, công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, gắn liền với cuộc sống hằng ngày của người dân.

6. Nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là với vai trò cơ quan chủ quản Chương trình DTTS và MN.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA ỦY BAN DÂN TỘC

1. Về vướng mắc trong việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 01 tháng 02 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

2. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chi trả từ nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình DTTS và MN bố trí cho nội dung khoán chăm sóc và bảo vệ rừng đã thực hiện từ năm 2021 tại các địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng triển khai trong giai đoạn 2026 - 2030 theo hình thức phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, TC, NNPTNT, XD, TTTT, LĐTBXH, GDĐT, UBDT;
- VPCP: BTCN, các PCN, Thư ký Phó Thủ tướng, các Vụ: KTTH, NN, KGVX,TH; Cục KSTTHC; TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) S.Tùng.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

 



1 (1) Đầu tư và sử dụng nguồn lực; (2) Phát triển bền vững; (3) Giáo dục và đào tạo; (4) Chính sách cho cán bộ người DTTS; (5) Chính sách đối với người có uy tín ở vùng DTTS; (6) Văn hóa; (7) Thể dục, thể thao; (8) Du lịch; (9) Y tế, dân số; (10) Thông tin - Truyền thông; (11) Tư pháp; (12) Môi trường; (13) Quốc phòng, an ninh.