Thông báo 40/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 40/TB-VPCP
Ngày ban hành 24/01/2018
Ngày có hiệu lực 24/01/2018
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Cao Lục
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2018

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRỊNH ĐÌNH DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2017 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2018 CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM

Ngày 04 tháng 01 năm 2017, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của EVN. Sau khi nghe lãnh đạo EVN báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Năm 2017 vừa qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực, toàn diện. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tiếp tục thực hiện tốt việc tái cấu trúc nền kinh tế; sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 127 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 425 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm; thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là những khi thiên tai, bão lũ xảy ra. Quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được mở rộng.

Đạt được những kết quả của năm 2017 nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.

Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tập đoàn chủ lực trong ngành năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

2. Năm 2017 mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng EVN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, cụ thể là:

- Đã đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và đời sống của nhân dân. Đến nay, tổng công suất nguồn điện hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 45.500 MW, trong đó EVN và các đơn vị thành viên đạt khoảng 28.175 MW, chiếm khoảng 62%; điện thương phẩm năm 2017 đạt 174 tỷ kWh tăng 8,92% so với năm 2016. Trong năm, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 09 tô máy với tổng công suất 2.135 MW, trong đó đã đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 công suất 1.200 MW đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, góp phần quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.

- Đã thực hiện tốt công tác tái cơ cấu, tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh, đảm bảo cân bằng tài chính và kinh doanh có lợi nhuận. Đã cơ bản thực hiện xong công tác tái cơ cấu mà trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, bảo toàn được vốn nhà nước và có thặng dư.

- Đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP; đã đưa chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng 32 bậc so với năm 2016, đứng ở vị trí 64/190 quốc gia, góp phần đưa năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 lên vị trí 55/137 nền kinh tế.

- Công tác ứng phó, phục hồi cấp điện trở lại sau sự cố do thiên tai, bão lũ đã có bước tiến bộ đáng kể, đáp ứng yêu cầu điện cho sản xuất và đời sống người dân, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2017 cả nước phải ứng phó nhiều thiên tai do mưa, bão.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và quản trị để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 7,47% (giảm hơn 0,13% so với kế hoạch đầu năm), thấp hơn nhiều so với các đơn vị tương đương trong khu vực. Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện, đạt 1,92 triệu kWh/người, tăng 9% so với 2016. Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện của Tập đoàn ngày càng được tăng cường rõ rệt, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 35% so với năm 2016.

- Thực hiện tốt các nhiệm vụ cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong tình hình tài chính còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn đã đưa điện đến 99,98% số xã (8.987/8.989 xã) và 98,83% số hộ nông thôn (17.128.153/17.330.861 hộ), đã tiếp nhận bán điện trực tiếp 11/12 huyện đảo, đặc biệt đã hoàn thành việc tiếp nhận vận hành hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa, góp phần đặc biệt quan trọng vào việc đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, an sinh xã hội và chung sức xây dựng nông thôn mới thể hiện vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự phát triển cộng đồng.

3. Bên cạnh các kết quả đạt được, EVN và ngành điện nước ta hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đồng thời phải đối mặt với những thách thức sau:

- Hiện nay, cung ứng điện trên cả nước được đảm bảo, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất song không đồng đều giữa các miền, trong đó, miền Nam phải nhận điện từ hệ thống điện miền Trung và miền Bắc với quy mô công suất và điện năng rất cao (4.600 MW và 21,5 tỷ kWh trong năm 2017) dẫn đến những nguy cơ mất an toàn trong vận hành hệ thống điện quốc gia. Một số dự án nhà máy nhiệt điện khu vực miền Nam do các đơn vị ngoài EVN đầu tư tiếp tục chậm tiến độ dẫn đến cung ứng điện cho miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro thiếu điện cục bộ trong giai đoạn tới.

- Vẫn còn tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện truyền tải và phân phối; còn xảy ra một số sự cố lớn ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện.

- Triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo còn chậm, chưa thể hiện vai trò của EVN trong nhiệm vụ được giao đi đầu trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.

- Triển khai các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, quản lý nhu cầu điện còn chưa tương xứng với hiệu quả đem lại với hệ thống điện quốc gia.

- Năng suất lao động trong ngành điện vẫn còn thấp, mặc dù mức tăng cao hơn bình quân chung của đất nước song vẫn còn thấp hơn so với nhiều công ty cùng chuyên ngành trong khu vực,

- Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu phát triển liên kết lưới điện truyền tải và đàm phán mua bán điện với các nước láng giềng còn chậm, chưa có bước đột phá nhằm tận dụng và phát huy hiệu quả của lưới điện liên kết.

- Nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh. Để bảo đảm cung ứng điện gắn với nâng cao độ tin cậy và chất lượng điện, yêu cầu về đầu tư nguồn điện mới trong giai đoạn tới là rất lớn. Đây là nhiệm vụ nặng nề của ngành Điện nói chung và nhất là đối với EVN trong giai đoạn tới đặc biệt là khi thực hiện thu xếp vốn đầu tư theo hướng tự vay, tự trả.

- Yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao đối với các dự án điện từ giai đoạn đầu tư xây dựng đến giai đoạn vận hành, đòi hỏi tiếp tục sử dụng các loại công nghệ cao, thân thiện với môi trường dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư tăng cao và giá thành sản xuất điện cao hơn.

- Công tác thông tin, truyền thông mặc dù đã được quan tâm, đẩy mạnh hơn song vẫn còn chưa đủ để xã hội đồng tình và ủng hộ mọi hoạt động của ngành điện, bao gồm các vấn đề về điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường, tái cơ cấu ngành theo hướng từng bước nâng cao cạnh tranh, minh bạch, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho đầu tư xây dựng các dự án điện v.v...

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Đất nước ta đang trong thời kỳ thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với mục tiêu sớm trở thành một nước cơ bản theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc thực hiện ba đột phá chiến lược thì phải bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó phải cung cấp đủ điện cho sự phát triển của đất nước. Yêu cầu ngành điện tiếp tục quán triệt đi trước một bước bảo đảm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân; thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh và điều hành giá điện theo cơ chế thị trường; tăng cường các biện pháp thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, quản lý nhu cầu điện.

Để góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, cơ bản nhất trí với gác mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp EVN đề ra, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ