Thông báo 365/TB-VPCP năm 2023 Kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 365/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 06/09/2023 |
Ngày có hiệu lực | 06/09/2023 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Trần Văn Sơn |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 365/TB-VPCP |
Hà Nội ngày 06 tháng 9 năm 2023 |
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ ÁN GIẢI QUYẾT NGẬP DO TRIỀU KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CÓ XÉT ĐẾN YẾU TỐ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (GIAI ĐOẠN 1)
Sáng ngày 31 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Sau khi nghe Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo, ý kiến của các đại biểu dự họp, phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận như sau:
1. Dự án giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức BT, đến nay đã triển khai thi công đạt 90% khối lượng. Trong quá trình thực hiện Dự án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại nhiều văn bản, nhất là Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ (Nghị quyết số 40/NQ-CP). Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp tục triển khai thi công hoàn thành.
2. Việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án là rất cần thiết, cấp bách, tuy nhiên Thành phố chưa báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ. Vì vậy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần khẩn trương thực hiện và báo cáo đánh giá cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chậm nhất trong tháng 9 năm 2023 để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
3. Thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm Tổ phó, thành viên là Lãnh đạo của Bộ, cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… (giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thành lập Tổ công tác) để chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ, toàn diện quá trình triển khai Dự án (trong đó lưu ý rà soát, đánh giá tính khả thi về phương án kỹ thuật thiết kế, hiệu quả Dự án, hợp đồng BT đã ký) và việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ; xác định rõ các khó khăn, vướng mắc của Dự án; trên cơ sở đó căn cứ quy định của pháp luật, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ có liên quan để xây dựng phương án, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Dự án, trong đó cần làm rõ cơ sở pháp lý và thẩm quyền quyết định, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10 năm 2023; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Thành phố thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (nếu thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định; bảo đảm kịp thời, hiệu quả, khả thi, đúng quy định của pháp luật, sớm đưa công trình vào sử dụng an toàn, chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
4. Nếu công trình đã hoàn thành được 90% rồi, trong quá trình chờ xử lý, đề nghị chủ đầu tư vận hành những gì có thể vận hành được để góp phần chống ngập úng có thể xảy ra.
5. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |