Thông báo 352/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về Đề án phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành Đại học đẳng cấp quốc tế do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 352/TB-VPCP
Ngày ban hành 29/10/2016
Ngày có hiệu lực 29/10/2016
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Giáo dục

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 352/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG THÀNH ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Ngày 21 tháng 10 năm 2016, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về Đề án phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành Đại học đẳng cấp quốc tế. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; Bộ Nội vụ và Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Sau khi nghe các đại biểu dự họp phát biểu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận như sau:

1. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ đại học, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho một số cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong những trường đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 77/NQ-CP). Thời gian qua, Trường đã có nhiều nỗ lực phát huy tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và đạt được nhiều kết quả tốt.

Kết thúc thời gian thí điểm vào năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 77/NQ-CP để cụ thể hóa, pháp luật hóa và tổ chức thực hiện rộng rãi chủ trương này trong cả nước.

2. Về các đề xuất, kiến nghị: Các kiến nghị của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

a) Tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập theo hướng đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa quyền tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học; giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (Hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường) tương tự như đã thực hiện đối với đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quy định Hội đồng trường là cấp có thực quyền, phân định rõ trách nhiệm giữa Hội đồng trường với Ban giám hiệu (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng quyền của tập thể cán bộ, giảng viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định này. Sau khi Nghị định ban hành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất chỉ đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện.

b) Về tự chủ tuyển sinh: Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về tuyển sinh theo hướng không cào bằng quy mô tuyển sinh giữa các trường; các trường đã được quốc tế xếp hạng thì quy mô tuyển sinh lớn hơn; các trường đã tự chủ thì được quyền tự chủ trong tuyển sinh gắn với bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo.

c) Về việc thành lập phân hiệu, trường, cơ sở trực thuộc: Về nguyên tắc, theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trường tự chủ được quyền thành lập phân hiệu, trường, cơ sở trực thuộc. Tuy nhiên theo quy định hiện hành việc này do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cơ quan chủ quản hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tạo thuận lợi cho Trường.

d) Về bổ nhiệm người quá tuổi vào chức vụ quản lý nhà trường như Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và số nhiệm kỳ được bổ nhiệm: Do các quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể nên các trường tự chủ báo cáo cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về từng trường hợp cụ thể.

đ) Về thủ tục xin giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài có trình độ từ tiến sĩ trở lên: Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia là người nước ngoài có trình độ tiến sĩ trở lên làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học trong nước nhất là đối với thủ tục về lý lịch tư pháp.

e) Về việc sử dụng tài sản, tài chính, cơ sở vật chất và thương hiệu Trường: Ủng hộ chủ trương các trường tự chủ được sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết nhưng phải bảo đảm bảo tồn, phát triển vốn, tài sản nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật.

g) Về bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư: Thực hiện theo quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm tại một số trường tự chủ được thành lập hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở, đổi mới hội đồng Chức danh giáo sư ngành.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Trường Đại học Tôn Đức Thắng và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Các Bộ: GDĐT, NV, KHĐT, TC, TP;
- Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Trường Đại học Tôn Đức Thắng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TTK HĐGD; TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TKBT, TCCV, KTTH, TH, PL;
- Lưu: VT, KGVX (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng