Thông báo số 296/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan về nhận định tình hình, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và một số công việc cần triển khai trong thời gian tới do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 296/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 21/10/2008 |
Ngày có hiệu lực | 21/10/2008 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Văn Phượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 296/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VÀ CÁC BỘ, CƠ QUAN LIÊN QUAN VỀ NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH, TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH HIỆN NAY VÀ MỘT SỐ CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI
Ngày 17 tháng 10 năm 2008 tại Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã họp bàn với và các Bộ, cơ quan liên quan về nhận định tình hình, đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và chủ trương, giải pháp hạn chế những tác động có thể xảy ra đối với kinh tế Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có các Bộ: Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và các chuyên gia kinh tế một số ngành liên quan.
Sau khi nghe ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia kinh tế và ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
1. Cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng toàn cầu đang lan rộng và có những biến động bất thường so với dự báo ban đầu, nhiều nước trên thế giới đã phải hợp tác đối phó. Mặc dù vậy, đối với kinh tế Việt Nam cho đến nay, tác động của cuộc khủng hoảng chưa đến mức làm mất ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải lường trước được những ảnh hưởng tiêu cực có thể tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh bắt đầu có dấu hiệu suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế phát triển. Những tác động đó có thể là tác động về tâm lý trong dự báo thông tin và điều hành kinh tế; thị trường chứng khoán, tỷ giá hối đoái, an toàn hệ thống ngân hàng và các quỹ tài chính có thể bị ảnh hưởng; cán cân thanh toán có thể bị tác động do xuất khẩu và các nguồn thu khác có thể bị giảm trong khi nhập siêu còn cao; hệ lụy là phát triển sản xuất có thể chậm lại, thu ngân sách khó khăn và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
2. Từ nhận định trên, chủ trương của Chính phủ trong thời gian tới vẫn là ưu tiên hàng đầu nhiệm vụ chống lạm phát với các giải pháp lớn đã được thông qua (thắt chặt tiền tệ nhưng phải linh hoạt thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, chuyển dần sang cơ chế giá thị trường, phòng ngừa suy thoái kinh tế trong thời gian tới); chủ động hạn chế những tác động xấu của khủng hoảng tài chính có khả năng dẫn đến suy thoái kinh tế; đồng thời phải nắm bắt kịp các cơ hội, lợi thế để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng bền vững.
3. Để thực hiện chủ trương trên, yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan tiếp tục chủ động theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình và chuẩn bị các phương án đồng bộ, biện pháp xử lý cụ thể đối với một số vấn đề sau đây:
a. Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm việc với các Bộ, ngành để nắm bắt tình hình điều hành trong từng lĩnh vực kinh tế; làm tốt công tác tuyên truyền, có định hướng thông tin chính thống; tuyên truyền công khai, rõ ràng, tránh bị động và phải phản ánh đúng tình hình.
b. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Công thương khẩn trương làm việc với cơ quan liên quan để chuẩn bị các phương án dưới đây, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2008:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng phương án về bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá; bảo đảm đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
- Bộ Tài chính xây dựng phương án về bảo đảm an toàn hoạt động của các quỹ đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán và trái phiếu; sử dụng linh hoạt công cụ thuế phù hợp tình hình.
- Bộ Công thương xây dựng phương án về tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; bảo đảm tiêu thụ nông sản, nhất là lúa, gạo; bảo đảm cân đối các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và từng bước chuyển kinh doanh các mặt hàng này sang cơ chế thị trường.
c. Trước mắt yêu cầu:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai ngay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ tại công văn số 1767/TTg-KTTH ngày 20 tháng 10 năm 2008; đồng thời theo dõi sát tình hình và biến động của thị trường tiền tệ để chủ động trong điều hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý nhằm bảo đảm an toàn và thúc đẩy phát triển bền vững.
- Bộ Tài chính báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 25 tháng 10 năm 2008 phương án dự toán ngân sách năm 2009 trong tình hình mới để có báo cáo Quốc hội.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong đầu tháng 11 năm 2008 các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, FDI, ODA nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, phát điện, đóng tàu, các dự án đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu, thủy lợi, nông nghiệp.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết và khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |