Thông báo 29/TB-VPCP năm 2014 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai và xây dựng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 29/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 21/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 21/01/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Đầu tư,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI CUỘC HỌP VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, ĐẤT ĐAI, XÂY DỰNG
Ngày 02 tháng 01 năm 2014, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai và xây dựng. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Nội vụ, Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Sau khi nghe phát biểu của đại diện các cơ quan, tổ chức dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
1. Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai được thể hiện qua các Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều địa phương đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đã xây dựng lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, còn nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai và xây dựng vẫn còn bất cập, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tại Việt Nam:
a) Quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan tới lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng còn phức tạp, chồng chéo và không thống nhất, gây khó khăn cho nhà đầu tư và lúng túng cho cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện các thủ tục hành chính.
b) Quy trình thực hiện thủ tục hành chính còn phức tạp, có nhiều cơ quan tham gia thực hiện thủ tục với nhiều loại hồ sơ, giấy tờ.
c) Chưa có một quy trình thống nhất, liên thông trong thực hiện các thủ tục đầu tư tại địa phương, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu, xác định trình tự thủ tục. Việc triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính chưa hiệu quả.
d) Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng kéo dài.
đ) Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế. Nhà đầu tư thường được yêu cầu cung cấp những thông tin giống nhau cho các cơ quan khác nhau, thậm chí giữa các phòng, ban trong cùng một cơ quan.
e) Năng lực, phẩm chất của công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng còn hạn chế, nhất là năng lực hiểu biết chính sách, pháp luật; còn một số cán bộ, công chức phẩm chất, thái độ ứng xử trong giải quyết thủ tục hành chính còn bất cập…
2. Trong thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính cần được triển khai quyết liệt hơn; công khai, minh bạch thủ tục hành chính và thời gian giải quyết; đẩy mạnh phân cấp gắn với làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính; bố trí cán bộ có năng lực hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục và tăng cường công tác kiểm tra sau cấp phép đầu tư.
Để công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai sớm có hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan khẩn trương rà soát lại các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư có gắn với sử dụng đất và xây dựng, tổng hợp những bất cập, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng quy trình thống nhất về thủ tục đầu tư để áp dụng chung trong cả nước. Theo đó, sơ đồ hóa trình tự, thủ tục, công khai cơ quan tham gia giải quyết, thời gian thực hiện, nơi nhận và trả kết quả. Đồng thời, triển khai cơ chế một cửa liên thông, minh bạch thông tin để các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ tiếp cận.
b) Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng:
- Chủ động rà soát, phát hiện những bất cập trong quy định của pháp luật về đất đai (như bồi thường hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, trình tự thủ tục các quyền của người sử dụng đất), về xây dựng và đầu tư, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan sửa đổi các văn bản liên quan, báo cáo Thủ tướng trong quý II năm 2014.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phát hiện những bất cập, vướng mắc phát sinh để kịp thời chấn chỉnh hoặc có kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết.
c) Bộ Tư pháp:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; nghiên cứu đưa các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị quyết vào dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự thảo các Luật chuyên ngành khác có liên quan dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới; thống nhất đề xuất cơ quan đầu mối tiếp nhận, phối hợp xử lý giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng.
- Kiểm soát chặt chẽ các quy định mới, rà soát, đánh giá tác động về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng. Cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin theo quy định trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
- Phối hợp Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
d) Bộ Nội vụ khẩn trương trình Thủ tướng Quyết định thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước để các địa phương áp dụng thống nhất cơ chế một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.
đ) Các Bộ, ngành, địa phương cập nhật kịp thời, công khai minh bạch thủ tục hành chính trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính. Chủ động, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, có trách nhiệm trong hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Tăng cường công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư tại các cấp chính quyền của địa phương; phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện công vụ.
e) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với cộng đồng các nhà đầu tư nắm bắt những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ kịp thời.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan biết, thực hiện./.