Thông báo 279/TB-VPCP ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại các buổi làm việc với hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 279/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 15/10/2010 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2010 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Văn Trọng Lý |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 279/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2010 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CÁC BUỔI LÀM VIỆC VỚI HAI TỈNH HÀ TĨNH VÀ QUẢNG BÌNH VỀ CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ
Ngày 07 tháng 10 năm 2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thăm và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Tại các buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các ban, ngành của hai tỉnh, sau khi nghe báo cáo của Ủy ban nhân dân hai tỉnh, ý kiến của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Quân khu 4, Phó Thủ tướng có ý kiến như sau:
1. Biểu dương những cố gắng của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trong mấy ngày qua đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ đối phó với trận mưa lũ lớn, đặc biệt là những cố gắng của chính quyền và nhân dân các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Thạch Hà và Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh; Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình là những địa phương chịu tác động trực tiếp của trận lũ lịch sử. Chủ động đối phó với mưa lũ, hai tỉnh đã huy động các lực lượng, triển khai quyết liệt các biện pháp thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm; đồng thời triển khai kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại.
Thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng do mưa lũ là rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và việc tăng trưởng kinh tế của địa phương trong thời gian tới. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị chết, bị thương và gia đình bị thiệt hại về nhà cửa và tài sản. Trước mắt, các tỉnh chủ động sử dụng các nguồn lực của địa phương cùng với hỗ trợ của Trung ương và đồng bào cả nước để nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân vùng bị thiệt hại do mưa lũ.
Trận mưa lũ lịch sử này chứng tỏ biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến cuộc sống của mọi người, làm thay đổi các quy luật của thời tiết, lượng mưa trong 3 ngày bằng tổng lượng mưa của một năm bình thường là điều trước đây chưa từng có. Với thay đổi như vậy, khả năng dự báo rất khó đạt được chính xác, vì vậy phải chủ động ứng phó với tác động của các hình thái thiên tai cực đoan do biến đổi khí hậu.
2. Về công tác tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ:
- Trước mắt, các tỉnh cần triển khai thực hiện các công việc cấp bách sau đây để nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất.
+ Tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ vật chất kịp thời cho những gia đình bị mất người, mất nhà cửa và tài sản, an táng người chết, cứu chữa người bị thương, huy động các lực lượng trên địa bàn giúp đỡ dân dựng lại nhà cửa. Hỗ trợ lương thực kịp thời, đảm bảo đời sống cho dân, không để dân bị đói do thiếu lương thực.
+ Triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi nước rút, cấp đủ thuốc khử trùng làm sạch nguồn nước sinh hoạt, đề phòng xảy ra dịch bệnh.
+ Tập trung sửa chữa công trình hạ tầng thiết yếu; làm sạch đồng ruộng, cung cấp đủ giống cây trồng, đặc biệt là giống cây ngắn ngày để nhanh chóng bù lại những thiệt hại về lương thực do mưa lũ.
- Về lâu dài, những công trình giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng bị hư hỏng lớn cần được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, đồng bộ. Các tỉnh chỉ đạo lập hồ sơ dự án, trình duyệt và thực hiện đầu tư theo quy định quản lý đầu tư xây dựng hiện hành.
- Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội và Văn phòng Chính phủ tổng hợp thiệt hại của các tỉnh, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể cho các địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Về những đề nghị của hai tỉnh:
- Để có ngay nguồn kinh phí cho khắc phục hậu quả mưa lũ, các tỉnh trích dự phòng ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời về dân sinh theo mức quy định. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Hà Tĩnh 100,0 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo; tỉnh Quảng Bình 100,0 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo để thực hiện cứu đói cho dân.
- Bộ Y tế kiểm tra, cấp đủ cơ số thuốc y tế, thuốc Chloramin B làm sạch nguồn nước cho các tỉnh bị ngập lũ; cử cán bộ trực tiếp giúp đỡ địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, đề phòng xảy ra dịch bệnh.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch cụ thể giúp đỡ các tỉnh bị ngập lũ phục hồi sản xuất: hướng dẫn địa phương về cơ cấu cây trồng cho phù hợp với thời vụ, tổng hợp nhu cầu về giống lúa, giống ngô và giống rau, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại.
- Bộ Giao thông vận tải phối hợp các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ, thống kê những công trình giao thông đường bộ, đường sắt bị hư hỏng, lên kế hoạch phục hồi trước mắt và đầu tư nâng cấp lâu dài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Về việc bổ sung cho các tỉnh trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, giao Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tiếp thu ý kiến của các địa phương, chỉ đạo đóng các loại phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn phù hợp với đặc thù cụ thể của từng địa phương; thực hiện cấp và giao các đơn vị Quân đội, Công an bảo quản, đảm bảo sử dụng lâu dài và hiệu quả.
- Việc khắc phục hậu quả sự cố vận hành hồ thủy điện Hố Hô nằm trên địa bàn hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, giao Bộ Công Thương chủ trì, cử đoàn công tác kiểm tra, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân sự cố; đồng thời có biện pháp khắc phục cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |