Thông báo số 267/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 267/TB-VPCP
Ngày ban hành 27/08/2009
Ngày có hiệu lực 27/08/2009
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Văn Trọng Lý
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 267/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 8 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LÂM ĐỒNG

Ngày 19 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Cùng đi với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an, Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Thủ tướng đã đi khảo sát tại Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng, thăm một số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2009 và một số kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự họp, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trên nhiều lĩnh vực và biểu dương nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.

Trong bối cảnh chung do chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới và những khó khăn do giảm sút kinh tế trong nước, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng bằng việc cụ thể hoá và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chủ yếu do Đại hội Tỉnh Đảng bộ đề ra, giữ vững tăng trưởng kinh tế và phát triển ổn định. Thời kỳ 2007 - 2009, kinh tế Lâm Đồng tăng trưởng bình quân 14%/năm; GDP bình quân đầu người tăng trên 20%/năm. Tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm của Tỉnh đạt 10,7% so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng 11%; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng 7%; lượng khách du lịch tăng 11%.

Tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai các giải pháp kích thích kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các dự án đầu tư phát triển, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Các chương trình xoá đói giảm nghèo, làm nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, . . .được triển khai đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính sách dân tộc, tôn giáo được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Kết quả đó đã góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Tuy vậy, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những mặt hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Thu ngân sách còn đạt thấp hơn so với kế hoạch. Tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch. Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra. Lĩnh vực xã hội còn một số vấn đề bức xúc, diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản nhất trí với mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong báo cáo của Tỉnh.

Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho Tỉnh trong thời gian còn lại của năm 2009 và năm 2010 là rất nặng nề, Tỉnh cần tập trung vào hai nhiệm vụ chủ yếu: phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải chuẩn bị thật tốt để triển khai thắng lợi Đại hội Đảng các cấp. Trong thời gian tới, Tỉnh cần tập trung vào những định hướng và giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tập trung chỉ đạo và đề ra các giải pháp để huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển. Đối với đầu tư nhà nước phải chú ý yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả; tập trung đầu tư nhà nước cho hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục, cho các vùng khó khăn, cho hỗ trợ phát triển. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

2. Phải áp dụng các giải pháp hiệu quả để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.

Về sản xuất nông nghiệp, cần tiếp tục định hướng hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh như cà phê, chè, rau, hoa cao cấp, cá nước lạnh trên cơ sở chú trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, chuyển đổi giống nhằm tạo nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đồng thời, tích cực hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Tỉnh.

Về công nghiệp, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về công nghiệp khai khoáng thủy điện và công nghiệp chế biến trên cơ sở bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng, đặc biệt là Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng.

Cần chú trọng khai thác các lợi thế về tài nguyên khí hậu, di tích, thắng cảnh để phát triển mạnh du lịch và dịch vụ du lịch, tạo bước chuyển biến rõ nét về cơ cấu kinh tế dịch vụ của địa phương. Chú ý chủ động việc đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ và phát triển đồng bộ hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, khách sạn, công nghệ thông tin.

3. Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư, phát triển tại các vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt chú trọng gắn các giải pháp giảm nghèo với định hướng phát triển kinh tế rừng; thường xuyên cập nhật, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

4. Tiếp tục triển khai và làm tốt công tác quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của địa phương, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển.

5. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Kết hợp tốt yêu cầu xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc với việc bảo đảm về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, thuyết phục, không để các cá nhân, tổ chức phản động lợi dụng khó khăn của tình hình để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Phải đấu tranh kiên quyết với các phần tử chống đối, kích động chống đối, cố tình vu khống Nhà nước, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

III. VỀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về việc mở một số đường bay quốc tế từ Đà Lạt đi các nước trong khu vực: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 343/TB-VPCP ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ.

2. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Lâm Đồng khảo sát, nghiên cứu và đề xuất cơ chế đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo hình thức Nhà nước và tư nhân hợp tác đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về việc bố trí vốn đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 20 đoạn qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn vốn để sớm triển khai, thực hiện.

4. Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn Tỉnh để sớm đưa công trình này vào khai thác, sử dụng.

5. Đồng ý hỗ trợ vốn cho tỉnh Lâm Đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu công nghiệp Lộc Sơn. Giao Bộ Tài chính ứng trước 51 tỷ đồng để Tỉnh triển khai, thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để hoàn tạm ứng.

[...]