Thông báo số 246/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về Đề án xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công cộng và tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 246/TB-VPCP
Ngày ban hành 08/09/2008
Ngày có hiệu lực 08/09/2008
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Trần Quốc Toản
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 246/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG VỀ ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA MỘT SỐ LOẠI HÌNH DỊCH VỤ CÔNG CỘNG VÀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG

Ngày 27 tháng 8 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chủ trì cuộc họp bàn về Đề án Xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công cộng và tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Tham dự có đại diện các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động – Thương binh và Xã hội; Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Tư pháp; Nội vụ và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo Đề án trên, ý kiến của các Bộ và Văn phòng Chính phủ, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công cộng và tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, của các đơn vị sự nghiệp công; trong đó, cần lưu ý một số nội dung chủ yếu sau:

a. Đề án này thể hiện tính tổng hợp về xã hội hóa của các lĩnh vực hoạt động về dịch vụ công; trước hết là về giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao,…; vì vậy, Đề án cần dựa vào kết quả tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện xã hội hóa trong thời gian vừa qua; căn cứ vào tư tưởng chỉ đạo, nội dung, yêu cầu của các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm và sáu Ban chấp hành Trung ương – Khóa X; Kết luận số 20-KL/TW ngày 28 tháng 01 năm 2008 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương – Khóa X, về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008 – 2012 làm cơ sở để đổi mới cơ chế, chính sách và phương pháp tổ chức thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực này; đồng thời, phải đồng bộ với các Đề án liên quan của các Bộ đang chuẩn bị trình Bộ Chính trị.

b. Đề án thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao,…; trong các lĩnh vực đó phải nêu rõ các loại hình hoạt động cần được đẩy mạnh xã hội hóa và mức độ xã hội hóa; nhằm thu hút, khai thác các nguồn lực cho phát triển các loại hình dịch vụ này, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

c. Đề án cần nêu rõ các nội dung chủ yếu về: Đổi mới và nâng cao vai trò của Nhà nước và cơ chế quản lý nhà nước; đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập; đẩy mạnh phát triển các cơ sở ngoài công lập theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước.

d. Đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ (cả công lập và ngoài công lâp, phải bảo đảm tự chủ cả ba nội dung chủ yếu, gồm: (1) Thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm; (2) Tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự; (3) Cơ chế tài chính.

Đối với các đơn vị công lập, cần làm rõ các loại hình tự chủ, các loại hình hoạt động xã hội hóa, các loại hình liên doanh liên kết với các cơ sở ngoài công lập và với nước ngoài,…; để từ đó, xây dựng các cơ chế quản lý cho phù hợp.

Đối với các cơ sở ngoài công lập, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích phát triển; đồng thời, bảo đảm sự hoạt động của các cơ sở ngoài công lập theo đúng quy định chung của Nhà nước.

Về mức độ, phạm vi tự chủ đối với từng loại hình cơ sở công lập và ngoài công lập phải được thiết kế cụ thể, rõ ràng, có sự khác biệt giữa hai loại hình này; nhưng phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định chung của Nhà nước về chất lượng dịch vụ.

Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các đối tượng chính sách xã hội, người có công và thực hiện theo hướng cấp trực tiếp cho người thụ hưởng, để họ tự lựa chọn cơ sở và loại hình dịch vụ phù hợp.

đ. Về Quản lý nhà nước: Cần nêu rõ nội dung đổi mới quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực xã hội hóa; phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan cho phù hợp với các lĩnh vực, loại hình, mô hình xã hội hóa theo mục tiêu, yêu cầu mới đối với cả các đơn vị công lập và ngoài công lập; ban hành các quy định tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ; thực hiện kiểm tra, kiểm soát từ khi được thành lập và cả quá trình hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ.

2. Về tổ chức thực hiện:

a. Giao Bộ Tài chính chủ trì, thành lập Tổ nghiên cứu, xây dựng Đề án có sự tham gia của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Lao động – Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp và Văn phòng Chính phủ.

b. Tổ chức hội thảo và lấy ý kiến các cơ quan, địa phương liên quan, các chuyên gia để nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách và giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa cho phù hợp với thực tiễn, đúng với yêu cầu, nhiệm vụ mà các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra.

c. Tháng 10 năm 2008, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ Đề án này và tháng 12 năm 2008 trình Bộ Chính trị

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Y tế, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- VPCP: BTCN, các PCN: Trần Quốc Toản, Phạm Văn Phượng, các Vụ: KGVX, TH, TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH(3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản