Thông báo 2350/TB-VPQH năm 2014 kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2350/TB-VPQH
Ngày ban hành 10/10/2014
Ngày có hiệu lực 10/10/2014
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2350/TB-VPQH

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2014

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI PHIÊN HỌP THỨ 31

Ngày 29 tháng 9 năm 2014, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Cùng tham dự và giải trình, làm rõ thêm những vấn đề liên quan có Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Công Thương, Kế hoạchĐầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mời tham dự phiên họp còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ. Phiên chất vấn được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để các vị đại biểu Quốc hội trong cả nước tham gia chất vấn; được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội xin thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn như sau:

1. Phiên chất vấn đã diễn ra với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn và dân chủ. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm trong thời gian qua đối với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường và ngân hàng, như: Việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; Việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; kết quả xử lý nợ xấu; việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc tham mưu cho Chính phủ, chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực được giao, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đã đạt được những kết quả tích cực.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập; tích cực triển khai các hoạt động để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sử dụng đất lãng phí, có các giải pháp để đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Ngân hàng nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; mặt bằng lãi suất giảm, đảm bảo thanh khoản và giữ được ổn định chung của hệ thống, đặc biệt là thị trường vàng, ngoại hối; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, một số chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhà ở đã đạt được kết quả bước đầu và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu, giúp hoạt động của các tổ chức tín dụng dần đi vào ổn định, hình thành được cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bên trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, trong hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng nhà nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: quản lý khai thác khoáng sản còn chưa chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đạt yêu cầu Quốc hội đề ra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai còn tồn đọng, phức tạp, việc cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; nợ xấu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không có giải pháp thích hợp sẽ tăng trở lại; hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn chưa rõ; lạm phát còn cao so với tăng trưởng kinh tế...

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã nêu, đồng thời yêu cầu một số vấn đề sau đây:

3.1. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Tích cực tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai (sửa đổi), trong đó, lưu ý sớm ban hành Nghị định xử phạt hành chính về đất đai trong năm 2014 và các đạo luật thuộc lĩnh vực được giao phù hợp với Hiến pháp năm 2013; phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ và các địa phương, có nhũng biện pháp khẩn trương để giải quyết dứt điểm, không để tái diễn những vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân còn tồn đọng có liên quan đến đất đai.

- Tăng cường rà soát, cập nhật, nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý và có hiệu quả. Lập kế hoạch sử dụng đất gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm việc giữ diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác bảo đảm theo đúng kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất. Ban hành chính sách giải quyết đất sản xuất gắn với việc làm và yếu tố đặc thù khó khăn của mỗi vùng, đảm bảo đến cuối năm 2015 giải quyết được 70% số hộ đang thiếu đất sản xuất hiện nay theo đúng tinh thần Nghị quyết số 539/NQ-UBTVQH13 ngày 30/10/2012 về kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”.

- Đẩy mạnh điều tra cơ bản, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về đất đai. Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức sau khi được giao, thuê đất; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức chậm đưa vào sử dụng đất. Kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, công khai minh bạch và công bằng trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

- Tăng cường chỉ đạo, có những giải pháp quyết liệt để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào năm 2015. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý biến động đất đai, trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là kịp thời xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tập trung nguồn lực cho công tác đo đạc, lập và chỉnh lý bản đồ địa chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai; cập nhật số liệu và báo cáo đầy đủ tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với Quốc hội.

- Tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, mạnh hơn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép khai thác khoáng sản. Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi, lòng sông cũng như việc thu hồi sản phẩm từ các dự án nạo vét, khai thông luồng hàng hải. Tăng cường công tác phối hợp với Bộ Công thương và Bộ Công an trong việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và xuất khẩu thô tài nguyên khoáng sản.

3.2. Đối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam

- Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt; gắn chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng dư nợ tín dụng đi đối với bảo đảm chất lượng tín dụng; điều hành hiệu quả tỷ giá thị trường ngoại hối.

- Tăng cường việc ban hành hoặc tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhằm xử lý có hiệu quả, kịp thời tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong các tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả và kiểm soát nợ xấu trong giới hạn cho phép, từng bước giảm thiểu rủi ro, bảo đảm đến năm 2015, một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hoạt động minh bạch, hiệu quả.

- Triển khai tích cực, giám sát chặt chẽ việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần, bảo đảm an toàn của toàn hệ thống tín dụng; tái cơ cấu hệ thống tín dụng phải trên cơ sở đánh giá, phân loại mức độ tín nhiệm của ngân hàng.

- Rà soát, đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu, đánh giá thực trạng tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, giá trị thị trường, khả năng thanh toán của các tài sản này để có giải pháp xử lý phù hợp.

- Hoàn thiện cơ chế và các giải pháp tích cực giải quyết nợ xấu, nhất là cơ chế đặc thù cho VAMC; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thẩm định, sử dụng công cụ mua bán nợ hiệu quả, ngăn chặn kịp thời tiêu cực phát sinh.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận được nguồn vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tập trung hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; bảo đảm khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3.3. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trả lời chất vấn cần có kế hoạch, biện pháp thiết thực thực hiện những vấn đề đã trả lời trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước; có báo cáo kết quả thực hiện gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội vào các kỳ họp cuối năm. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội chú trọng giám sát việc thực hiện những nội dung chất vấn để hoạt động chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đạt chất lượng, hiệu quả.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội:
- Thường trực Chính phủ;
- Thường trực HĐDT, các UB của QH;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban Trung ương MTTQVN;
- VPCP, VPTƯĐ, VPCTN;
- ĐĐBQH, TTHĐND, UBND TTPTTTƯ;
- Các vị đại biểu Quốc hội;
- Lãnh đạo VPQH;
- Các Ban của UBTVQH;
- Các Vụ, đơn vị của VPQH:
- Lưu: HC, GS.
E-pas: 70795

CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hạnh Phúc

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ