Thông báo 235/TB-VPCP năm 2014 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 235/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 18/06/2014 |
Ngày có hiệu lực | 18/06/2014 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Văn Nên |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 235/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2014 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH
Ngày 04 tháng 6 năm 2014, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Tham dự buổi làm việc có: Bộ trưởng, Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo kết quả thực hiện; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới và một số kiến nghị của Tỉnh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp hướng xử lý những kiến nghị của Tỉnh; ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Thay mặt Chính phủ đánh giá cao và biểu dương nỗ lực phấn đấu, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các thành tích đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Năm 2013 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, với tinh thần chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; với sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, đúng hướng, bám sát mục tiêu đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao hơn bình quân chung cả nước (tăng 7,5%), thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách nhà nước tăng khá (đạt 34.184 tỷ đồng), 5 tháng đầu năm 2014 tăng 23% so cùng kỳ; đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng trọng yếu; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đã huy động được toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân có bước cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,52%.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến tích cực, có nhiều mô hình mới trong cải cách hành chính thể hiện tư duy đổi mới và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Công tác xây dựng chính quyền có nhiều tiến bộ. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng. Quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra đột xuất bất ngờ; bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hoạt động đối ngoại được mở rộng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 40% nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 5,5% GDP nên đời sống của người nông dân còn thấp; chênh lệch về thu nhập giữa người thu nhập cao với thu nhập thấp còn lớn (8 lần). Đầu tư công còn dàn trải. Công tác bảo vệ môi trường còn những mặt hạn chế, yếu kém.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 mà Tỉnh đã đề ra. Trong thời gian tới, Tỉnh phát huy kết quả đã đạt được khắc phục tồn tại, hạn chế, nhấn mạnh một số điểm sau:
1. Tập trung chỉ đạo với tinh thần cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đã đề ra năm 2014, qua đó tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa trong từng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
2. Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tinh giảm bộ máy biên chế; chuyển dịch mạnh hơn nữa lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển, ổn định nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, cung cấp dịch vụ công.
3. Tỉnh cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương.
4. Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn quốc, bởi đây chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; là xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
5. Đối với công tác quốc phòng, an ninh: Chủ trương nhất quán của chúng ta là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, song vẫn duy trì làm ăn, buôn bán, hợp tác kinh tế và thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trên các tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, Quảng Ninh cần tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác kinh tế cũng như các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực khác với Trung Quốc vì lợi ích chung của cả hai bên. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cần đề cao cảnh giác, hết sức chú trọng bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xây dựng tỉnh thực sự là khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế một cách chủ động, tích cực; xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về xây dựng Luật Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và Đặc khu kinh tế Phú Quốc tỉnh Kiên Giang sẽ được triển khai sau khi có ý kiến kết luận của Bộ Chính trị.
2. Về xây dựng Đề án "Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái" theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 108-TB/TW, ngày 01 tháng 10 năm 2012: Trước khi lập đề án, Tỉnh làm rõ những nội dung cơ bản của đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy biên chế”: Tỉnh phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
4. Về sửa đổi Thông tư số 05/2014/TT-BCT, ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương theo hướng cho phép tạm nhập, tái xuất mặt hàng từ Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ và điểm thông quan trong khu kinh tế cửa khẩu đi nước thứ ba: Giao Bộ Công Thương nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền.
5. Đồng ý về chủ trương thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Tỉnh lập đề án, Bộ Nội vụ thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Về triển khai mô hình hợp tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực: Tỉnh làm thí điểm một số lĩnh vực, sau đó tổng kết đánh giá nếu hiệu quả cho nhân rộng mô hình.
7. Về thành lập sở Du lịch: Đồng ý chủ trương, Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Nội vụ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Về quy định quản lý di sản thiên nhiên thế giới ở Việt Nam: Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
9. Việc ủy quyền cấp giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
10. Về những vấn đề liên quan đến hoạt động casino:
a) Về ban hành Nghị định về hoạt động casino trong đó quy định các điều kiện cụ thể để người Việt Nam tham gia các hoạt động casino: Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại điểm 2 Thông báo kết luận số 138-TB/TW ngày 24 tháng 6 năm 2013.
b) Về công bố quy hoạch phát triển casino; ban hành Nghị định riêng về casino cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang); tổ chức Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm tổ chức và quản lý hoạt động casino tại thành phố Hạ Long: Tỉnh thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 3824/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.