Thông báo 206/TB-BGTVT năm 2021 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện 04 dự án đường sắt thuộc dự án quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 206/TB-BGTVT
Ngày ban hành 17/06/2021
Ngày có hiệu lực 17/06/2021
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Uông Việt Dũng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 206/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN NGỌC ĐÔNG TẠI CUỘC HỌP KIỂM ĐIỂM TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 04 DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT THUỘC CÁC DỰ ÁN QUAN TRỌNG, CẤP BÁCH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN DỰ PHÒNG KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020.

Trong các ngày 10/6/2021 và ngày 11/6/2021, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện 03 dự án đường sắt do Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư, 01 dự án do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư thuộc các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các đơn vị: Vụ KHĐT, Cục ĐSVN, Cục QLXD&CLCTGT (Cục QLXD), Ban QLDA 85 (cuộc họp ngày 10/6/2021), Ban QLDA Đường sắt (cuộc họp ngày 11/6/2021) và Tổng công ty ĐSVN.

Sau khi nghe các Ban QLDA báo cáo tình hình triển khai từng dự án, ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kết luận như sau:

1. Tình hình chung:

04 dự án đường sắt thuộc dự án quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn dự phòng Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cần thực hiện đúng theo chủ trương và tính cấp bách của việc đầu tư dự án. Hiện nay, điều kiện để thực hiện các dự án đang có nhiều thuận lợi như: Thời tiết; mật độ chạy tàu ít (do ảnh hưởng của dịch Covid 19), đối với dự án cầu yếu không phải GPMB; được sự quan tâm hỗ trợ của các đơn vị liên quan và được theo dõi, chỉ đạo thường xuyên của Bộ GTVT, Cục QLXD. Qua nhiều lần chấn chỉnh, đến nay bước đầu các Chủ đầu tư đã từng bước kiện toàn công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, các hạng mục xây dựng kiến trúc tầng trên đường sắt cơ bản đáp ứng tiến độ. Tuy nhiên, các hạng mục còn lại nhìn chung chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Đối với 03 dự án do Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư: Trong 25/28 gói thầu xây lắp đang triển khai, có 5/25 gói thầu cơ bản hoàn thành hoặc đáp ứng tiến độ (gói thầu số 15, 16 của dự án đoạn Nha Trang - Sài Gòn, gói thầu số 01,02, 06 của dự án cầu yếu), 19/25 gói thầu chậm tiến độ từ 1 đến 3 tháng; tổng cộng giải ngân 03 dự án đến nay đạt 1.877.588/5.198,073 tỷ, đạt 36,1%. Một số hạng mục cải tuyến, xử lý nền đường đất yếu tại các gói thầu XL03, XL04, XL05 của dự án đoạn Hà Nội - Vinh một số hạng mục chưa GPMB xong (ga Cát Đằng thuộc địa bàn huyện Ý Yên tỉnh Nam Định, hàng rào đường gom, mở rộng ga Chợ Tía thuộc địa bàn huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, kéo dài đường ga Trảng Táo thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cầu vượt ga Trung hòa thuộc huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai, kéo dài ga Sông Lũy thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) có nguy cơ kéo dài tiến độ hợp đồng.

Đối với dự án đoạn Vinh - Nha Trang do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư: Trong 6/8 gói thầu xây lắp đang triển khai, có 2/6 gói thầu đáp ứng hoặc vượt tiến độ (gói thầu số 9,10), 2/6 gói thầu chậm tiến độ từ 1,5 đến 2,5 tháng; 2/6 gói thầu mới triển khai; tổng cộng giải ngân đến nay đạt 1.568,75/1.006,79 tỷ, đạt 56,4%. Mặc dù Chủ đầu tư bám sát địa phương nhưng đến nay vẫn còn một số hạng mục trên địa bàn huyện Đồng Xuân, Tp. Tuy Hòa tỉnh Phú Yên và huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam chưa GPMB xong.

Các tồn tại chính như sau:

1.1. Đối với 03 dự án đường sắt do Ban QLDA Đường sắt làm chủ đầu tư:

- Vai trò của Chủ đầu tư chưa cao, chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ của chủ đầu tư: Chưa bao quát chung về dự án, chưa có tính tổng thể, còn lúng túng về thủ tục, chưa kiểm soát để thực hiện hết nguồn vốn được giao và giải ngân đáp ứng kế hoạch...; chưa bám sát và phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác GPMB để xác định rõ vướng mắc ở khâu nào trong công tác GPMB, nội dung nào Bộ cần làm việc với địa phương để đẩy nhanh tiến độ....

- Tiến độ thực hiện dự án chậm so với yêu cầu, chất lượng, an toàn thi công có nơi còn để xảy ra tồn tại do:

+ Huy động, triển khai thi công của các nhà thầu còn chậm (chậm từ 2 đến 4 tháng). Khối lượng thi công còn lại lớn, thời gian còn lại ngắn (khoảng 6 tháng) nhưng công tác huy động thiết bị, nhân lực tại hiện trường còn mỏng, nhà thầu chưa tập trung đẩy nhanh tiến độ, ở một số hạng mục còn kéo dài thời gian chạy chậm so với kế hoạch được bố trí...

+ Ban QLDA chưa quyết liệt, chưa sát sao đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, chưa thể hiện vai trò điều tiết chỉ đạo của Chủ đầu tư; việc xử lý các vấn đề phát sinh, các vướng mắc tại hiện trường còn lúng túng, đặc biệt là các việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ đầu tư...;

+ Công tác theo dõi yêu cầu Nhà thầu thực hiện theo đúng hợp đồng của Chủ đầu tư còn chưa rõ nét, các nguyên nhân kéo dài hợp đồng chưa được làm rõ để có cơ sở xem xét kéo dài hoặc xử lý vi phạm tiến độ hợp đồng (nếu có).

+ Các vướng mắc về GPMB, di dời thông tin tín hiệu, cơ sở hạ tầng đã được Bộ GTVT chỉ đạo từ tháng 3/2021 nhưng đến nay triển khai còn lúng túng và chậm trễ.

- Hiện một số trụ chống va xô của cầu Hàm Rồng, Chợ Thượng, gia cố chống xói mố nam cầu Hàm Rồng... thi công khó khăn do gặp chướng ngại vật, địa hình phức tạp. Ban đang lúng túng trong xử lý vướng mắc này.

1.2. Đối với dự án đường sắt đoạn Vinh - Nha Trang do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư:

- Sự phối hợp giữa các đơn vị trong gói thầu, dự án còn có sự lúng túng nhất định; Ban QLDA 85 chưa quyết liệt trong việc thúc đẩy các đơn vị thi công huy động tối đa để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các công việc còn lại

- Một số nhà thầu thuộc gói thầu số 8, 12 thực hiện chậm, lúng túng trong triển khai thi công, chưa phân bổ thời gian hợp lý và chưa có kế hoạch tổng thể để hoàn thành hợp đồng đáp ứng tiến độ.

- Công tác GPMB ở một số hạng mục thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên, Tp. Đà Nẵng còn chậm.

- Gói thầu số 12 và một số hạng mục nếu không cải thiện tiến độ có thể sẽ kéo dài thi công sang năm 2022.

2. Để đáp ứng chất lượng, tiến độ, an toàn lao động, an toàn chạy tàu trong quá trình thi công, Bộ GTVT yêu cầu:

2.1. Yêu cầu các Chủ đầu tư dự án:

- Bám sát và phối hợp chặt chẽ với địa phương để thúc đẩy công tác GPMB; khẩn trương báo cáo Bộ GTVT các tồn tại, kiến nghị đối với từng địa phương chậm GPMB; kiến nghị địa phương nào cần Bộ GTVT ưu tiên làm việc trước trong đó kiến nghị tỉnh/Thành phố làm gì, huyện làm gì... để đẩy nhanh công tác GPMB.

- Ban QLDA với vai trò, trách nhiệm của Chủ đầu tư phải rà soát các công việc, tăng cường công tác điều phối, kịp thời phối hợp giữa các đơn vị TVTK, TVGS, Nhà thầu để chủ động xử lý vướng mắc, khi vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo đề xuất cụ thể.

- Công tác quản lý chất lượng, an toàn: Yêu cầu các Chủ đầu tư chỉ đạo Ban QLDA, TVGS, nhà thầu thi công thực hiện các quy định trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thi công, đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo vệ sinh công trường; nâng cao vai trò chủ thể QLDA, TVGS trong công tác giám sát và quản lý vật tư đưa vào công trình. Chủ đầu tư chủ động tiếp thu ý kiến của Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN, Cục QLXD về chất lượng, an toàn; có hệ thống theo dõi thường xuyên, chủ động ngăn ngừa, chấn chỉnh kịp thời các nhà thầu có tồn tại về chất lượng, an toàn; không được để xảy ra sự việc rồi mới giải quyết; phối hợp chặt chẽ với Cục QLXD trong quá trình Cục kiểm tra sự tuân thủ các quy định về công tác quản lý chất lượng, an toàn trong thi công xây dựng công trình và kiểm tra các điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào khai thác, sử dụng.

- Chủ đầu tư có văn bản chỉ đạo, cảnh báo nhà thầu chậm trễ kịp thời; chỉ kéo dài hợp đồng khi có nguyên nhân khách quan (bàn giao mặt bằng chậm hoặc nguyên nhân khách quan khác); Xác định rõ trách nhiệm của từng bên khi xảy ra chậm trễ, có giải pháp để điều chuyển khối lượng đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và xử lý theo quy định của hợp đồng, báo cáo Bộ GTVT để xem xét, đánh giá trong quá trình đấu thầu các dự án tiếp theo (nếu có).

[...]