Thông báo 162/TB-UB về cuộc họp giải quyết việc tổ chức bán hàng thu ngoại tệ trên địa bàn thành phố (theo Chỉ thị 06/CT-UB của UBND thành phố) do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 162/TB-UB
Ngày ban hành 13/10/1986
Ngày có hiệu lực 13/10/1986
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Võ Danh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 162/TB-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 10 năm 1986

 

THÔNG BÁO

CUỘC HỌP GIẢI QUYẾT VIỆC TỔ CHỨC BÁN HÀNG THU NGOẠI TỆ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ (THEO CHỈ THỊ 06/CT-UB CỦA UBND THÀNH PHỐ)

Ngày 30 tháng 9 năm1986, Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ trì cuộc họp giải quyết việc bán hàng thu ngoại tệ trên địa bàn thành phố, gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố, Công ty du lịch thành phố, Công ty EXIMS, Ban quản lý thị trường thành phố, Công an thành phố, Ủy ban vật giá thành phố, Chi nhánh Ngân hàng ngoại thương thành phố.

Sau khi nghe báo cáo của Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ (EXIMS), Công ty du lịch thành phố và ý kiến của các cơ quan liên quan về tình hình và phương thức bán hàng thu ngoại tệ trên địa bàn thành phố, đồng chí Nguyễn Võ Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kết luận như sau :

1. Về đối tượng bán hàng:

Nhất trí có 3 đối tượng :

Loại A: Khách nước ngoài bao gồm: các đoàn ngoại giao, Tổng Lãnh sự, báo chí thường trú, đại diện các tổ chức quốc tế thường trú tại Việt Nam, các đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm Việt Nam, khách du lịch hoặc quá cảnh Việt Nam, chuyên gia người nước ngoài ở Việt Nam, thương nhân nước ngoài.

Loại B: Việt kiều về thăm quê hương.

Loại C: Cán bộ, học sinh, công nhân Việt Nam đi công tác, học tập, lao động… ở nước ngoài về nước có mang theo về ngoại tệ hợp pháp.

2. Phương thức bán hàng:

Cửa hàng Intershop và các cửa hàng thuộc Công ty Du lịch chỉ phục vụ và bán hàng thu ngoại tệ hợp pháp của 3 đối tượng nói trên (trừ khách quốc tế có hộ chiếu ngoại giao) cụ thể :

- Thu bán hàng bằng các loại séc chuyển khoản theo sự hướng dẫn của Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương thành phố kể cả séc chuyển khoản từ nguồn ngoại tệ kiều hối.

- Đối với khách nước ngoài đối tượng loại A bán hàng theo yêu cầu hợp lý của khách, không hạn chế số lượng mặt hàng và trị giá.

- Đối với Việt kiều về thăm quê hương loại B bán số lượng mặt hàng tiêu dùng hợp lý cho bán thân và gia đình, có giải thích cho người mua tránh không để tư thương lợi dụng họ để mua đi bán lại, gây rối thị trường. Công ty Du lịch và Công ty Xuất nhập khẩu tại chỗ (EXIMS) cần bàn thống nhất để xác định số lượng của một số mặt hàng cao cấp cho mỗi lần mua; không hạn chế số lần được mua; không bán theo định xuất.

- Ban Việt kiều thành phố cần tăng cường giáo dục và giải thích cho bà con Việt Kiều để đề cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng kinh tế thành phố, góp phần cùng các cơ quan chức năng quản lý thị trường, không bán hàng, bán quyền mua hàng cho gian thương, đấu tranh chống đầu cơ, phá rối thị trường.

3. Nguồn hàng :

a) Sản phẩm sản xuất trong nước như hàng thủ công, mỹ nghệ, đồ gốm, các đặc sản của Việt Nam, hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập và nhận bán hàng ký gởi. Các cửa hàng cần tổ chức tạo nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng, hấp dẫn đối với khách, có chất lượng cao.

b) Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ (EXIMS) cần phải nghiên cứu nhu cầu các mặt hàng về nguyên liệu, vật tư thiết bị máy móc… phục vụ sản xuất theo quyết định 34 của Ủy ban nhân dân thành phố để có kế hoạch nhập kịp thời và đúng yêu cầu, có phương thức trao đổi mua bán phù hợp vừa phục vụ sản xuất, vừa thu được kiều hối, vừa hạn chế mua đi bán lại của thị trường tự do.

4. Về giá cả :

a) Phải thống nhất giá bán lẻ (ngoại tệ) các mặt hàng cùng chủng loại, ký mã hiệu trên địa bàn thành phố. (Các cửa hàng thuộc Công ty Du lịch, cửa hàng Intershop, Cung ứng tàu biển, sân bay Tân Sơn Nhất).

b) Giao cho Ủy ban Vật giá thành phố chủ trì cùng Sở Tài chánh, Công ty Du lịch, Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ nghiên cứu tính toán giá bán lẻ (ngoại tệ) cho thích hợp.

c) Sau khi thống nhất khung giá được duyệt, các cửa hàng được linh hoạt bán theo khung giá thật hợp lý. Ủy ban Vật giá thành phố có trách nhiệm theo dõi kiểm tra thường xuyên tình hình thực hiện giá cả ở các cửa hàng nói trên để điều chỉnh giá hợp lý, đồng thời đề xuất xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật giá. Ủy ban Vật giá cùng với các Công ty có liên quan để xem xét giá cả để chỉ đạo kịp thời.

d) Riêng đối với cán bộ, học sinh, công nhân đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài khi về còn mang theo ngoại tệ hợp pháp thì áp dụng chính sách giảm giá 3 - 10% giá bán lẻ, tỷ lệ giảm tùy theo từng mặt hàng và số lượng mua cụ thể, để khuyến khích mang ngoại tệ về nước.

5. Công tác quản lý thị trường :

- Giao cho Công an thành phố, Ban quản lý thị trường thành phố có biện pháp giáo dục số tư thương chuyên mua bán hàng hóa, mua bán ngoại tệ tại các cửa hàng nói trên, mà từ lâu đã nắm được thủ đoạn biện pháp làm ăn của họ, vạch cho họ chuyển nghề nghiệp, quy định cho họ cách khắc phục, bắt buộc họ cam kết với các cơ quan quản lý từ bỏ nghề mua gian bán lậu này. Thông báo về nơi cư trú để cùng quản lý, cần có biện pháp theo dõi nếu họ còn tiếp tục buôn bán bất chính phá rối thị trường thì trừng trị nghiêm khắc.

- Các cơ sở được Ủy ban nhân dân thành phố cho phép bán thu ngoại tệ tiền mặt là : Cửa hàng Intershop thuộc Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ, các khách sạn của Công ty Du lịch đã được phép bán thu ngoại tệ, Cửa hàng Intershop bán cho khách nước ngoài ở sân bay, cửa hàng bán cho thủy thủ, thuyền viên, các tàu nước ngoài trong khuôn viên Cảng thành phố.

Các đơn vị khác trực thuộc thành phố cùng các đơn vị trung ương trên địa bàn thành phố không được kinh doanh thu ngoại tệ tiền mặt dưới bất cứ hình thức nào.

- Công ty Du lịch, Công ty xuất nhập khẩu tại chỗ triển khai ngay chỉ đạo này, cần thống nhất quy chế để cho khách hàng không bỡ ngỡ và cán bộ công nhân viên cửa hàng thực hiện đúng tạo mọi dễ dàng cho khách hàng.

[...]