Thông báo 1384/TB-DP năm 2022 về kết luận Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 do Cục Y tế dự phòng ban hành

Số hiệu 1384/TB-DP
Ngày ban hành 07/12/2022
Ngày có hiệu lực 07/12/2022
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Cục Y tế dự phòng
Người ký Nguyễn Lương Tâm
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1384/TB-DP

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN HỘI NGHỊ GIAO BAN TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH VÀ TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19

Chiều ngày 07/12/2022, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại trụ sở Cơ quan Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Y tế, Đồng chí Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện các tỉnh, thành phố và đại diện một số các Bộ, ngành liên quan.

Sau khi nghe các báo cáo về tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, tình hình sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống và ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự tại Hội nghị; Đồng chí Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã thống nhất kết luận hội nghị như sau:

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến chưa ổn định, khó dự báo, với sự nỗ lực cao của các ngành, các địa phương, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm khác được hạn chế, ngăn chặn kịp thời. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy mạnh; tính đến hết ngày 04/12/2022, cả nước đã tiêm hơn 264 triệu liều vắc xin. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm cùng với thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân, thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và tăng cao. Để chủ động phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, đảm bảo cho người dân đón tết an lành, Bộ Y tế trân trọng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ như sau:

1. Tham mưu UBND tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; huy động các nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch, nhất là tham gia hỗ trợ công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19.

2. Với công tác phòng, chống dịch COVID-19: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động các phương án ứng phó và đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế đảm bảo đúng kế hoạch đề ra theo yêu cầu của Chính phủ; nhất là tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục đào tạo theo Kế hoạch phối hợp số 1557/KH-BYT-BGDĐT ngày 17/11/2022 giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm khác: Trong thời gian tới với mùa đông xuân kết hợp với Tết dương lịch, Tết nguyên đán và mùa lễ hội nên nguy cơ lây truyền các dịch bệnh như cúm mùa, sởi, rubella, tiêu chảy, viêm não và các dịch bệnh xâm nhập nên cần tiếp tục chủ động, tăng cường giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, đặc biệt với nhóm người nguy cơ cao như người già, trẻ em, người mắc bệnh nền mãn tính.

- Với bệnh sốt xuất huyết: mặc dù thời tiết đã chuyển lạnh tại miền Bắc và số ca mắc có xu hướng giảm nhẹ; tuy nhiên vẫn cần tiếp tục kiên trì, liên tục triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, thành lập các tổ phòng chống sốt xuất huyết đi từng ngõ gõ từng nhà hướng dẫn người dân phát hiện và xử lý lăng quăng bọ bậy tại hộ gia đình; khoanh vùng, xử lý dứt điểm các ổ dịch; phun hoá chất diệt muỗi tại khu vực có nguy cơ cao; phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế ca mắc và tử vong và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành và người dân tích cực, chủ động tham gia phòng chống dịch.

- Với bệnh đậu mùa khỉ: tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur tiếp tục chủ động giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm và xử lý theo quy định.

- Với bệnh cúm mùa: tăng cường, chủ động giám sát tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, để phát hiện sớm, tổ chức điều tra, dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong và tăng cường truyền thông nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân.

- Với bệnh cúm gia cầm: tiếp tục chủ động giám sát, phát hiện; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch; tăng cường tuyên truyền phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; cập nhật khuyến cáo phòng, chống dịch cho người dân và cộng đồng.

4. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

5. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương có kế hoạch, dự trữ đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện đảm bảo các yêu cầu trong phòng, chống dịch; phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan báo cáo, tham mưu Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo thực hiện phân cấp, phân quyền để đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch.

Cục Y tế dự phòng trân trọng thông báo./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Đ/c Thứ trưởng (để báo cáo);
- CT. Phan Trọng Lân (để báo cáo);
- Các Phó Cục trưởng;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Các Viện VSDT, Pasteur, SR-KST-CT;
- Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế;
- Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố;
- TTKSBT các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, DT.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Lương Tâm

 

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ