Thông báo 07/TB-VPCP ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 07/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 09/01/2015 |
Ngày có hiệu lực | 09/01/2015 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Cao Lục |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2015 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2014, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2015
Ngày 31 tháng 12 năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 ngành tài nguyên và môi trường. Tham dự Hội nghị có tập thể lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ chủ chốt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2014, kế hoạch công tác năm 2015 và báo cáo tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo Hội nghị như sau:
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2014
Năm 2014, bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế phục hồi chậm, chưa vững chắc; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, nền kinh tế vĩ mô ổn định và bắt đầu tăng trưởng trở lại, tài chính - tiền tệ từng bước ổn định, nợ xấu đã được giải quyết từng bước, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp được nâng lên, lòng tin của người tiêu dùng đối với nền kinh tế được tăng lên, đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường thế giới... Đó là những tín hiệu rất đáng khích lệ, làm tiền đề cho năm 2015 và giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 sẽ đạt được các kết quả tốt hơn.
Những kết quả chung của đất nước đạt được trong năm 2014 có sự đóng góp rất lớn của ngành tài nguyên và môi trường. Ngành đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực được giao, trong đó nổi bật là:
Ngành đã tổ chức tốt việc triển khai Luật đất đai 2013 theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của Quốc hội, cả nước đã cấp được 41,6 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích cần cấp; giải quyết tốt hơn việc khiếu nại trong lĩnh vực đất đai; cơ sở dữ liệu về đất đai được tích cực triển khai, đã đưa vào hoạt động có hiệu quả ở 9 tỉnh, góp phần hạn chế các vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã bám sát Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW. Đã triển khai thực hiện nhiều quy hoạch khoáng sản, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và vi phạm pháp luật về môi trường đã từng bước được chấn chỉnh, việc thanh tra, kiểm tra được tăng cường, đưa hoạt động khoáng sản dần đi vào nề nếp; triển khai thực hiện công tác cấp quyền khai thác khoáng sản đạt được kết quả bước đầu quan trọng, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách, đồng thời đặt ra yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản phải tiết kiệm, hiệu quả, bền vững hơn.
Trên lĩnh vực tài nguyên nước, ngành đã triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; đặc biệt, đã hoàn thành, đưa vào thực hiện 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ trên các lưu vực sông lớn, quan trọng với mục tiêu chính là bảo đảm nước cho vùng hạ du, bảo đảm dòng chảy môi trường, đồng thời bảo đảm dung tích phòng lũ.
Bảo vệ môi trường được tăng cường. Đã trình Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 7 thông qua Luật bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được đẩy mạnh, đã kiên quyết xử lý triệt để nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác phê duyệt, đánh giá tác động môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã dần đi vào nề nếp và bảo đảm chất lượng tốt hơn; quản lý chất thải, cải thiện và phục hồi môi trường có bước tiến bộ; bảo tồn đa dạng sinh học đạt kết quả tích cực.
Lĩnh vực biến đổi khí hậu, đã tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động quốc tế và các chương trình trong nước; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả các chiến lược, quy hoạch đều đã được cập nhật đến tác động biến đổi khí hậu, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu đã được quan tâm.
Chính phủ đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được nói trên của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2014.
Bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được, ngành tài nguyên và môi trường cũng còn những mặt còn tồn tại, hạn chế như Báo cáo tổng kết đã nêu, trong đó đáng chú ý là công tác điều tra cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, quản lý về tài nguyên còn rất nhiều thách thức (nguồn nguyên liệu thô cung cấp cho năng lượng và nguồn nước có nguy cơ thiếu hụt lớn), tình trạng ô nhiễm môi trường và vấn đề tiêu cực vẫn còn xảy ra đối với ngành tài nguyên môi trường, đòi hỏi toàn ngành cần phấn đấu nỗ lực để khắc phục, giải quyết trong năm 2015 và thời gian tới.
II. NHIỆM VỤ NĂM 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
Năm 2015 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tạo tiền đề cho kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, vì vậy, các nhiệm vụ đặt ra của ngành tài nguyên và môi trường hết sức cấp bách, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Nhất trí với các nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015 của ngành tài nguyên và môi trường đề ra trong Báo cáo tổng kết; đồng thời yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường; trong đó, tập trung xây dựng trình Quốc hội Luật tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; Luật khí tượng thủy văn. Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật mới được ban hành; kiểm tra, rà soát, theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập để sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
2. Tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các chiến lược, chương trình, mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch về tài nguyên, môi trường để điều chỉnh, cập nhật nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về tài nguyên và môi trường đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng địa phương trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
3. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường; tiếp tục rà soát, loại bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo động lực phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường.
4. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về tài nguyên và môi trường; chú trọng việc đôn đốc xử lý sau thanh tra nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài không để ảnh hưởng đến ổn định kinh tế, chính trị, xã hội ở các địa phương.
5. Tăng cường quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của đất nước.
Về quản lý đất đai, cần tập trung chỉ đạo triển khai thi hành Luật đất đai nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; định giá đất; điều tra cơ bản về đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai. Nghiên cứu, tìm ra mô hình phù hợp để thực hiện thí điểm việc giải phóng mặt bằng, tái định cư đạt hiệu quả nhằm giảm bớt các khiếu nại về đất đai.
Về tài nguyên khoáng sản, tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, đặc biệt quan tâm tới công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngừng xuất khẩu cát nhiễm mặn. Mở rộng công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản trên đất liền và trên biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất nguồn vốn cho công tác điều tra, trong đó, cân đối dành nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để đầu tư cho công tác điều tra cơ bản.
Về quản lý tài nguyên nước, cần tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải; dự báo tình hình suy thoái, cạn kiệt, nhất là các nguồn nước liên quốc gia; thành lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên nước. Tiếp tục dành nguồn lực để xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn. Triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với Ủy ban sông Mê Công, các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Công. Thực hiện tốt công tác tham mưu về các đối sách và giải pháp trong giải quyết các vấn đề nóng của hợp tác Mê Công.
6. Về bảo vệ môi trường, tổ chức triển khai có hiệu quả Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị quyết của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn, các lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề, sự suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, cải thiện và phục hồi môi trường. Tăng cường xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
7. Về công tác khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để tham mưu, chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống thiên tai; từng bước triển khai có hiệu quả việc xã hội hóa trong công tác khí tượng thủy văn. Huy động nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu; chú trọng hoàn thành việc xây dựng các kịch bản chi tiết về biến đổi khí hậu của địa phương để có biện pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Tiếp tục mở rộng hợp tác, nâng cao vai trò của Việt Nam trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tài trợ nghiên cứu, xây dựng các dự án cụ thể để thực hiện Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long.
8. Tập trung triển khai tốt công tác điều tra cơ bản tài nguyên biển, chú trọng đầu tư nghiên cứu, khảo sát các loại hình năng lượng mới (Gas Hydrate) trên các vùng biển sâu, biển xa; sớm hoàn thành Đề án quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước theo Chiến lược biển quốc gia. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển và hải đảo.
III. VỀ CÁC ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Cơ bản nhất trí với những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện từng đề xuất cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.