Sắc lệnh số 163 về việc tổ chức Toà án binh lâm thời đặt ở Hà Nội do Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành

Số hiệu 163
Ngày ban hành 23/08/1946
Ngày có hiệu lực 07/09/1946
Loại văn bản Sắc lệnh
Cơ quan ban hành Chủ tịch nước
Người ký Huỳnh Thúc Kháng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

SẮC LỆNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TÒA ÁN BINH LÂM THỜI ĐẶT Ở HÀ NỘI CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 163 NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 1946

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu Sắc lệnh số 34 ngày 25-3-1946 tổ chức Bộ Quốc phòng;

Chiểu Sắc lệnh số 71 ngày 22-5-1946 ấn định quy tắc Lục quân Việt Nam;

Xét tình thế hiện thời;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp;

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1: Trong khi chờ đợi Sắc lệnh tổ chức các Toà án binh chính thức được ban hành, nay lập một Toà án binh lâm thời trụ sở đặt ở Hà Nội.

Điều thứ 2: Toà án binh lâm thời có thẩm quyền xét xử:

- Các quân nhân phạm pháp, bất cứ về tội gì, trừ những tội vi cảnh thuộc thẩm quyền các Toà án Tư pháp và những "Thường tội" định ở Điều thứ 49, Sắc lệnh số 71 ngày 22-5-1946 thuộc quyền nghị phạt của các cấp chỉ huy quân đội;

- Những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, những người là việc cho quân đội như công nhân, chủ thầu khi phạm pháp có liên can đến quân đội;

- Những người thuộc bất cứ hạng nào mà phạm pháp ở trong các đồn trại, Quân y viện, nhà Đề lao binh hoặc một cơ quan nào của quân đội, hoặc phạm pháp làm thiệt hại đến quân đội.

Điều thứ 3: Nếu một người ngoài quân đội đồng thời phải truy tố trước Toà án binh lâm thời vì một tội thuộc thẩm quyền Toà án ấy và trước một Toà án Tư pháp hoặc Quân sự vì một tội thuộc thẩm quyền của các Toà án ấy, thì phải do Toà án binh lâm thời xét xử trước.

Trừ những trường hợp Toà án tư pháp tuyên án phạt tiền hoặc phạt bồi thường, nếu bị can phải cả hai toà cùng phạt thì hạn chỉ phải chịu hình phạt nặng nhất mà thôi.

Điều thứ 4: Gặp trường hợp nhiều người cùng bị can về một tội mà trong đó cả quân nhân cả thường dân, thì việc đó sẽ do Toà án binh lâm thời xét xử.

Điều thứ 5: Toà án binh lâm thời gồm có:

- Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử;

- Một uỷ viên Chính phủ đứng buộc tội (viên này kiêm công việc dự thẩm)

- Một Lục sư ngồi chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Chánh án là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy hoặc một nhân viên cao cấp Bộ Quốc phòng do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có thể thoả hiệp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp để Bộ này cử thêm Thẩm phán cao cấp sung chức Chánh án.

Hội thẩm thứ nhất là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy, do nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Hội thẩm thứ hai là một thẩm phán ngạch tư pháp, do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã y hiệp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Uỷ viên Chính phủ là một quân nhân hoặc một nhân viên Bộ Quốc phòng, do nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định theo đề nghị của Quân Pháp Cục trưởng.

Lục sự cũng do nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định, trong các quân nhân thuộc cấp chỉ huy.

Mỗi khi ký nghị định bổ nhiệm một Thẩm phán Toà án binh lâm thời, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ cử một người chính thức và một người dự khuyết.

Điều thứ 6: Toà án binh lâm thời có quyền xử những tội thuộc về tiểu hình và đại hình định trong luật hình chung, theo những hình phạt định trong ấy, nếu bị can thuộc một hạng người kể ở Điều thứ 2, 4 trên đây.

Điều thứ 7: Ngoài ra, riêng về các tội phạm có tính cách nhà binh, Toà án binh lâm thời có quyền xử những tội sau này định ở Điều thứ 50 Sắc lệnh số 71 ngày 22 tháng 5 năm 1946:

a) Vì cẩu thả trong công vụ mà để xảy ra sự gì thiệt hại đến nhân dân hoặc bộ đội:

Từ 1 tháng đến 3 năm tù;

[...]