Sắc lệnh số 13/SL về việc cải cách chế độ đảm phụ: bãi bỏ các thứ đóng góp cũ như là quỹ công lương, thuế điền thổ v.v..., bãi bỏ việc mua thóc định giá và đặt ra thuế nông nghiệp mua bằng thóc, kể từ vụ thuế 1951 do Chủ tịch nước ban hành
Số hiệu | 13/SL |
Ngày ban hành | 01/05/1951 |
Ngày có hiệu lực | 16/05/1951 |
Loại văn bản | Sắc lệnh |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch nước |
Người ký | Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Bất động sản |
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 13-SL NGÀY 1 THÁNG 5 NĂM 1951
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ.
Chiểu sắc lệnh số 49-SL ngày 18-6-1949 ban hành Bộ luật thuế trực thu;
Chiểu các sắc lệnh số 146-SL ngày 24-12-1949, 79- SL và 96-SL ngày 22-5-1950, 137-SL và 138-SL ngày 19-9-1950 sửa đổi chế độ thuế điền thổ;
Chiểu sắc lệnh số 3-SL ngày 15-1-1950 đặt quỹ công lương;
Chiểu sắc lệnh số 20-SL ngày 12-2-1950 quyết định việc tổng động viên;
Theo đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu kháng chiến, phát triển sinh sản nông nghiệp, thống nhất và đơn giản chế độ đảm phụ cho dân, thực hiện đóng góp công bằng cho dân, kể từ vụ thuế 1951, nay:
1- Bãi bỏ các thứ đóng góp về nông nghiệp cho Ngân sách toàn quốc và quỹ địa phương như: thuế điền thổ, thóc công lương, sương túc, thóc bình dân học vụ, thóc nuôi bộ đội địa phương, thóc nộp cho quỹ xã, thóc đắp đường...
2- Bãi bỏ việc mua thóc định giá.
3- Đặt ra thuế nông nghiệp thu bằng thó tính theo hoa lợi thu hoạch bình thường hành năm của ruộng đất.
Thuế nông nghiệp do người thu hoa lợi nộp. Thêm vào chính tang thuế nông nghiệp sẽ thu một số bách phân phụ thu cho Ngân sách địa phương. Ngoài hai khoản thu này, số thu hoạch của ruộng đất không phải chịu một thứ đảm phụ nào khác nữa.
Điều 2
Thể lệ đánh thuế nông nghiệp sẽ do một sắc lệnh ấn định sau.
Điều 3
Trong khi chờ đợi để ban hành thể lệ này, Chính phủ sẽ vay trước của nhân dân, trong vụ chiêm năm 1951, một số thóc cho Ngân sách toàn quốc. Số thóc vay này sẽ tính vào thuế nông nghiệp theo thể lệ sẽ ban hành; nếu số thóc vay quá số thuế thì Chính phủ sẽ trả lại số thừa, và nếu số thóc vay dưới số thuế thì người nộp thuế sẽ nộp thêm.
Ngoài số thóc vay cho Ngân sách toàn quốc, Chính phủ sẽ vay cho Ngân sách địa phương một số thóc không quá 20% số thóc vay cho Ngân sách toàn quốc.
Điều 4
Một nghị định của Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ quy định thể lệ vay thóc và cách trả lại cho dân.
Điều 5
Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chiểu Sắc Lệnh thi hành.
|
Hồ Chí Minh (Đã ký)
|