Quyết định 840/1999/QĐ-TTg phê duyệt dự án trồng rừng tại tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh (do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 840/1999/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 04/09/1999 |
Ngày có hiệu lực | 19/09/1999 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Công Tạn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 840/1999/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN TRỒNG RỪNG TẠI TỈNH BẮC GIANG, LẠNG SƠN VÀ QUẢNG NINH (DO CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;
Xét tờ trình số 2266BNN-HTQT ngày 24 tháng 6 năm 1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 5586/BKH-VPTĐ ngày 24 tháng 8 năm 1999,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án và nội dung Hiệp định tài chính trồng rừng tại tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại với những nội dung chủ yếu sau :
1. Tên dự án : trồng rừng tại tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
2. Cơ quan và nước viện trợ : Ngân hàng tái thiết Đức - Cộng hòa Liên bang Đức.
3. Cơ quan nhận viện trợ và chủ quản dự án : Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Cơ quan thực hiện dự án : ủy ban nhân dân 3 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
5. Thời gian thực hiện dự án : 1999 - 2004.
6. Địa bàn thực hiện dự án : 29 xã thuộc 7 huyện của 3 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
7. Mục tiêu dự án : góp phần vào chương trình trồng rừng và bảo vệ đất đai ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh thông qua việc giúp người nông dân sử dụng đất có hiệu quả và bảo đảm bền vững về sinh thái đồng thời tạo việc làm và nâng cao mức sống cho người dân trong vùng dự án. Cụ thể là :
- Trồng mới (bao gồm cả chăm sóc và quản lý, bảo vệ) 13.500 ha rừng.
- Hỗ trợ các thôn bản trong vùng dự án lập kế hoạch sử dụng đất trong 3 năm đầu.
8. Những nội dung đầu tư chủ yếu :
- Xem xét quy hoạch sử dụng đất cấp thôn bản có sự tham gia của người dân.
- Hỗ trợ và đào tạo lực lượng phổ cập trong vùng dự án.
- Hỗ trợ thành lập các nhóm hộ nông dân làm rừng thôn bản.
- Xây dựng và phê chuẩn các kế hoạch quản lý tài nguyên rừng cấp thôn bản.
- Cung cấp vật tư trồng rừng cho các hộ nông dân tham gia trồng rừng.
- Thực hiện chương trình trồng rừng.
- Hỗ trợ tài chính cho các hộ nông dân tham gia trồng rừng thông qua tài khoản sổ tiết kiệm để chi về trồng rừng.
- Quản lý và phối hợp có hiệu quả hoạt động của dự án.
9. Tổng chi phí dự án : 12.100.000 DM (tương đương 83.490 triệu VNĐ theo tỷ giá 6.900 VNĐ/1DM).
Trong đó : Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ không hoàn lại 10 triệu DM (tương đương 69 tỷ VNĐ).
- Đóng góp của Chính phủ Việt Nam : 2.100.000 DM trong đó tính theo chi phí đầu tư thực tế là 1.600.870 DM (tương đương 11,046 tỷ VNĐ).
Điều 2. Về tổ chức thực hiện :
Giao Bộ Ngoại giao ủy quyền cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Hiệp định tài chính của dự án với phía Cộng hòa Liên bang Đức.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan nhận viện trợ và chủ quản dự án, phối hợp với 3 tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh chỉ đạo việc điều tra cơ bản rà soát lại quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp thôn bản của dự án; xác định cụ thể diện tích rừng trồng mới trên từng địa bàn dự án; tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ, có hiệu quả, điều hành có hiệu lực phù hợp với mục tiêu và nội dụng của dự án; tuân thủ các quy định về quản lý viện trợ phát triển và các cam kết đã ký. Riêng đối với tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn cần tổ chức rút kinh nghiệm quá trình thực hiện dự án trồng rừng I do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ để khắc phục những tồn tại và phát huy, kế thừa kết quả đã đạt được (về cán bộ, cơ sở vật chất, mô hình trình diễn,...).
Điều 3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan chi tiết hóa phần Hiệp định tài chính của dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, rà soát kỹ lại cơ cấu vốn, giảm tối đa chi phí các hoạt động gián tiếp nhằm bảo đảm thực hiện đúng và có hiệu quả những mục tiêu của dự án đã đề ra với nội dung hỗ trợ trồng rừng là chính. Đồng thời kết hợp chặt chẽ các dự án và các chương trình quốc gia khác tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt dự án, tránh trùng lặp về bộ máy tổ chức, về diện tích trồng rừng và về các hạng mục đầu tư.
Điều 4. Trên cơ sở những nội dung đầu tư chủ yếu đã nêu tại Điều 1 của Quyết định này và Hiệp định ký kết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo triển khai dự án cho từng tỉnh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện những quy định tại Quyết định số 162/1999/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ về chính sách hưởng lợi của các hộ gia đình, cá nhân tham gia dự án trồng rừng bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức.
- Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ủy ban nhân dân ba tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh đưa vào kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm phần vốn đối ứng của phía Việt Nam để triển khai thực hiện dự án (1.600.870 DM tương đương 11,046 tỷ VNĐ theo tỷ giá 6.900 VNĐ/1DM).
- Cho phép nhập 9 xe ô tô miễn thuế theo quy định hiện hành để phục vụ các hoạt động dự án trên địa bàn ba tỉnh (8 xe UOATZ Nga và 1 xe hai cầu Toyota Landcruiser).
Điều 5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ./.
|
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |