Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Quyết định 7506/1999/QĐ-UB-CNN về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng phòng hộ ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 7506/1999/QĐ-UB-CNN
Ngày ban hành 08/12/1999
Ngày có hiệu lực 08/12/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7506/1999/QĐ-UB-CNN

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHOÁN, BẢO VỆ, KHOANH NUÔI, TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ Ở HUYỆN CẦN GIỜ, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Quyết định số 202/TTg ngày 02 tháng 5 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng ;
- Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố tại Tờ trình số 491/CV-UB ngày 28 tháng 9 năm 1999 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này quy định về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng phòng hộ ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3
- TT/TU, TT.HĐND/TP
- Thường trực UBND TP
- Chi Cục Kiểm lâm ND
- BQL rừng phòng hộ Cần Giờ
- VPUB : CPVP, các Tổ
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHOÁN, BẢO VỆ, KHOANH NUÔI, TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ Ở HUYỆN CẦN GIỜ, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

(Ban hành kèm theo quyết định số 7506/1999/QĐ-UB-CNN ngày 08 tháng 12 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ được Ủy ban nhân dân thành phố giao rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ là chủ rừng Nhà nước.

Việc giao khoán nêu trong quy định này chỉ thuộc phạm vi rừng phòng hộ, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt luận chứng kinh tế-kỹ thuật hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn thanh toán chi phí khoán theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

Điều 2.- Chủ rừng Nhà nước gọi tắt là Bên khoán được quyền giao khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng nhận khoán rừng là hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị gọi tắt là Bên nhận khoán.

Bên nhận khoán phải có đủ lực lượng, ngày đêm có mặt tại rừng để kiểm tra, canh giữ bảo vệ rừng. Đối với hộ gia đình và cá nhân phải là người thường trú tại địa phương mới được hợp đồng nhận khoán.

Điều 3.- Giữa Bên khoán và Bên nhận khoán phải ký hợp đồng khoán ; nội dung hợp đồng khoán bao gồm :

3.1- Nêu rõ ranh giới, tổng diện tích, trong đó diện tích rừng (gồm rừng trồng và rừng tự nhiên), đất trống cần trồng rừng, diện tích mặt nước và đất khác (kèm theo bản đồ hiện trạng 1/4.000, 1/5.000 hoặc 1/10.000) ;

3.2- Hiện trạng rừng : Năm trồng, tình hình sinh trưởng, phát triển của rừng, công tác quản lý, bảo vệ hoặc tình trạng bị chặt phá (nếu có) ;

3.3- Những cam kết về quyền và nghĩa vụ của Bên khoán và Bên nhận khoán ; phương thức thanh toán tiền công khoán ;

3.4- Thời gian nhận khoán.

3.5- Những quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng.

3.6- Hợp đồng khoán do Bên khoán và Bên nhận khoán lập, ký kết và phải được Ủy ban nhân dân xã sở tại xác nhận nếu là hộ gia đình, cá nhân hoặc cấp trên một cấp xác nhận nếu là đơn vị, tổ chức và phải được Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phê duyệt.

Điều 4.- Nguồn vốn để thanh toán chi phí khoán, bảo vệ rừng là nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước bao gồm của Trung ương và thành phố. Bên khoán lập kế hoạch kinh phí hàng năm thông qua Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phê duyệt, trình các cơ quan thẩm quyền quyết định cấp phát để thanh toán tiền công khoán giữ rừng cho Bên nhận khoán theo hợp đồng.

[...]