Quyết định 609/QĐ-UBND năm 2021 quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Số hiệu | 609/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 09/03/2021 |
Ngày có hiệu lực | 09/03/2021 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Đặng Xuân Trường |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 609/QĐ-UBND |
Thái Nguyên, ngày 09 tháng 3 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 286/TTr-SGDĐT ngày 26/02/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:
Tiêu chí 1: Phù hợp với việc học tập của học sinh
1.1. Sách giáo khoa (SGK) được trình bày hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mỹ, gần gũi, tạo được sự hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học/hoạt động giáo dục.
1.2. Nội dung mỗi bài học trong SGK được thiết kế phù hợp với hoạt động học của học sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; tạo cơ hội cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo thông qua các hoạt động học tập cả trong và ngoài lớp học.
1.3. Nội dung SGK chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học.
1.4. Các hoạt động học tập trong SGK có sự phân hóa theo năng lực học sinh; đảm bảo tính dân chủ trong tiếp cận nội dung các bài học; tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả học sinh các dân tộc trong tỉnh; phát huy được tối đa tiềm năng của mỗi học sinh.
1.5. Nội dung SGK có hệ thống câu hỏi, bài tập thực hành, vận dụng sát với thực tiễn địa phương; giúp học sinh ôn tập, củng cố phát triển năng lực, phẩm chất và đánh giá kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tiêu chí 2: Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của giáo viên
2.1. Các bài học/chủ đề trong SGK được thiết kế, trình bày đa dạng các hoạt động, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.
2.2. Nội dung SGK chú trọng tới việc tích hợp kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương.
2.3. Nội dung SGK với các yêu cầu cụ thể, giúp giáo viên có thể đánh giá được mức độ cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh cũng như đánh giá được kết quả giáo dục.
2.4. Mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá nêu trong mỗi bài học phải liên quan và hỗ trợ cho nhau.
2.5. Nguồn tài nguyên, học liệu bổ sung cho việc triển khai thực hiện SGK đa dạng, phong phú, dễ khai thác.
2.6. Nội dung SGK thuận lợi cho việc chủ động, linh hoạt xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của các nhà trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2.7. Nội dung SGK đảm bảo tạo điều kiện cho giáo viên điều chỉnh để phù hợp với khả năng học tập của từng đối tượng học sinh.
2.8. Cấu trúc SGK thuận tiện cho nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục và tạo điều kiện cho tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên bổ sung những nội dung và hoạt động đặc thù, thích hợp với thực tế địa phương.
Tiêu chí 3: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương
3.1. Nội dung SGK gần gũi với văn hóa, lịch sử, địa lí, nghề nghiệp, phong tục, tập quán, hoạt động sản xuất của người dân tỉnh Thái Nguyên hoặc vùng trung du miền núi phía Bắc.
3.2. Nội dung SGK phải đảm bảo tính kế thừa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lí, phong tục tập quán của địa phương.
3.3. Nội dung SGK đảm bảo khả năng tích hợp được nội dung giáo dục địa phương; ý thức bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn giao thông và những yêu cầu khác của địa phương.