TỔ CÔNG TÁC CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 54/QĐ-TCT66
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 02
năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG TỔ CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP ỦY
BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
TỔ TRƯỞNG TỔ CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH
LẬP ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
Căn cứ Quyết định số 66/QĐ-TTg
ngày 15 tháng 01 năm 2018 về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về
thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động Tổ công tác của Thủ tướng
Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3.
Các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý
vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Thành viên Tổ công tác;
- Nhóm giúp việc Tổ công tác;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: ĐMDN, KTTH, QT,
KHTC, TCCV;
- Lưu: VT, TCT66 (2b).KN
|
TỔ
TRƯỞNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vương Đình Huệ
|
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
TỔ
CÔNG TÁC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ THÀNH LẬP ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI
DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/QĐ-TCT66 ngày 13 tháng 02
năm 2018 của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
tại doanh nghiệp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về nhiệm vụ,
quyền hạn, nguyên tắc làm việc, phương thức hoạt động của Tổ công tác của Thủ
tướng Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau
đây gọi tắt là Tổ công tác).
2. Quy chế này áp dụng đối với Tổ
công tác, các thành viên Tổ công tác.
Điều 2. Nguyên tắc làm việc
1. Thành viên Tổ công tác và Nhóm
giúp việc Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ phó Thường trực và một
số chuyên viên giúp việc Tổ phó Thường trực làm việc theo chế độ chuyên trách.
2. Thành viên Tổ công tác chịu trách
nhiệm trước Tổ trưởng Tổ công tác trong phạm vi nhiệm vụ được phân công.
3. Tổ trưởng, Tổ phó Thường trực Tổ
công tác sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ.
Chương II
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CÔNG
TÁC
Điều 3. Phương thức hoạt động
1. Tổ công tác hoạt động thông qua họp
định kỳ, họp đột xuất, lấy ý kiến bằng văn bản và tổ chức đoàn kiểm tra, khảo
sát khi cần thiết. Tổ trưởng Tổ công tác quyết định phương thức hoạt động của Tổ
công tác.
2. Tổ công tác có thể mời đại diện
các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tham gia họp, làm việc.
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn
Tổ công tác tham mưu, giúp Thủ tướng
Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Chỉ đạo việc xây dựng các văn bản
quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp (sau đây gọi là Ủy ban).
- Công tác chuẩn bị các nguồn lực về
tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản để Ủy ban đi vào hoạt động.
- Chỉ đạo thực hiện việc bàn giao vốn
và tài sản của doanh nghiệp về Ủy ban.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ
tướng Chính phủ giao.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của
các thành viên Tổ công tác
1. Tổ trưởng Tổ công tác
a) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng
Chính phủ về hoạt động của Tổ công tác.
b) Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm
vụ của Tổ công tác.
c) Điều hành, phân công, chỉ đạo các
thành viên Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ được giao.
d) Triệu tập và chủ trì các phiên họp
của Tổ công tác.
đ) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết
quả hoạt động của Tổ công tác.
e) Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét,
quyết định việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Tổ công tác; việc bổ
sung, thay thế thành viên Tổ công tác và Nhóm giúp việc Tổ công tác.
2. Tổ phó Tổ công tác
a) Các Tổ phó Tổ công tác thực hiện
các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thực hiện và chịu trách nhiệm trước
Tổ trưởng Tổ công tác về các nhiệm vụ được Tổ trưởng phân công.
- Chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai các
công việc của Tổ công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan
mình.
- Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương
chuẩn bị báo cáo, tài liệu liên quan theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác.
b) Tổ phó Thường trực
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại điểm a khoản này, Tổ phó Thường trực còn có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Chỉ đạo, điều hành các hoạt động của
Tổ công tác và Nhóm giúp việc Tổ công tác, ký các văn bản của Tổ công tác theo
phân công hoặc ủy quyền của Tổ trưởng Tổ công tác, báo cáo Tổ trưởng Tổ công
tác về kết quả thực hiện;
- Báo cáo, trình Tổ trưởng Tổ công tác việc sửa đổi, bổ sung Quy chế
hoạt động của Tổ công tác; bổ sung, thay thế thành viên Tổ công tác, Nhóm giúp
việc Tổ công tác.
c) Tổ phó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại điểm a khoản này, Tổ phó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn có
nhiệm vụ bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ chính sách cho Tổ
phó Thường trực và nhóm giúp việc Tổ phó Thường trực.
d) Tổ phó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại điểm a khoản này, Tổ phó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có nhiệm vụ
chỉ đạo việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban.
đ) Tổ phó, Bộ trưởng Bộ Tài chính
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại điểm a khoản này, Tổ phó, Bộ trưởng Bộ Tài chính còn có nhiệm vụ bố trí trụ
sở làm việc, ngân sách để Ủy ban đi vào hoạt động.
3. Thành viên Tổ công tác
a) Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng Tổ
công tác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công.
b) Đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt
chẽ với Tổ phó Thường trực Tổ công tác trong xử lý công việc, đặc biệt trong
tham mưu, đề xuất các nội dung liên quan việc thành lập Ủy ban.
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo
phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
Điều 6. Nhóm giúp việc Tổ công tác
1. Giúp Tổ công tác thực hiện các nhiệm
vụ phục vụ việc thành lập Ủy ban.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo
phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.
Điều 7. Chế độ thông tin báo cáo
1. Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ,
cơ quan, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông
tin, tài liệu liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ủy ban.
2. Các bộ, cơ quan, địa phương, các tổ
chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu
liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của Ủy ban.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Kinh phí hoạt động của Tổ
công tác
Kinh phí hoạt động của Tổ công tác do
ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của
Văn phòng Chính phủ.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Các bộ, cơ quan, địa phương tạo điều
kiện cho Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ.
2. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ
của Tổ công tác, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, Tổ trưởng Tổ công tác báo
cáo Thủ tướng Chính phủ để cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết./.