Quyết định 46-CP năm 1980 về việc đưa công nhân và cán bộ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ và làm việc có thời hạn tại các nước xã hội chủ nghĩa do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 46-CP
Ngày ban hành 11/02/1980
Ngày có hiệu lực 26/02/1980
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính,Giáo dục

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 46-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 2 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 46-CP NGÀY 11 THÁNG 2 NĂM 1980 VỀ VIỆC ĐƯA CÔNG NHÂN VÀ CÁN BỘ ĐI BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ VÀ LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã đào tạo bồi dưỡng được đội ngũ đông đảo công nhân và cán bộ chuyên môn, đáp ứng kịp thời những yêu cầu trước mắt của đất nước. Song nhìn chung, trình độ tay nghề của công nhân cũng như trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý của cán bộ còn rất hạn chế, do ta thiếu giáo viên có kinh nghiệm và cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta, đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng một đội ngũ công nhân lành nghề và cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý giỏi, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá của đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, đi đôi với việc tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng ở trong nước, Hội đồng Chính phủ chủ trương đưa một bộ phận công nhân và cán bộ đang công các ở các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước sang các nước xã hội chủ nghĩa nhằm mục đích bồi dưỡng nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ, quản lý, đồng thời làm việc có thời hạn trong các cơ sở kinh tế của các nước đó, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo lao động của nước ta, vừa giúp các nước anh em khắc phục một phần khó khăn về lao động, trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa các thành viên trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Hội đồng Chính phủ quyết định:

1. Cần căn cứ vào quy hoạch dài hạn và kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá trong những năm tới, trước mặt là thời kỳ kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981 - 1985), để xác định kế hoạch đưa công nhân, cán bộ kỹ thuật, quản lý đi nâng cao trình độ và làm việc có thời hạn ở các nước xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với từng thời kỳ kế hoạch.

Những lĩnh vực, ngành nghề cần đưa công nhân, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và quản lý đi bồi dưỡng và làm việc có thời hạn, bao gồm công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, lưu thông phân phối, và các loại dịch vụ cần thiết.

Để đạt hiệu quả cao trong công việc này, cần rất coi trọng hình thức bồi dưỡng đồng bộ theo dây chuyền sản xuất hoặc theo đơn vị sản xuất, để khi về nước có thể lắp ráp, vận hành, sửa chữa và quản lý thành thạo những xí nghiệp hiện có và những công trình xây dựng mới do ta nhập thiết bị toàn bộ của nước bạn; đồng thời, cần coi trọng việc bảo đảm bồi dưỡng cho công nhân và cán bộ ta nắm vững những khâu kỹ thuật then chốt, tinh vi, phức tạp trong quy trình chế tạo sản phẩm và trong dây chuyền công nghệ, hoặc nắm vũng kiến thức và tay nghề cần thiết để có thể tự mình thiết kế và chế tạo những sản phẩm mới.

2. Công nhân và cán bộ đưa sang bồi dưỡng nâng cao trình dộ và làm việc có thời hạn ở các nước anh em phải được tuyển chọn kỹ, chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chuẩn về chính trị, nghề nghiệp, văn hoá và sức khoẻ.

Phải ngăn chặn và nghiêm trị những tệ nạn móc ngoặc, hối lộ, v.v... trong việc tuyển chọn, kiên quyết không để cho những người không đủ tiêu chuẩn đi bồi dưỡng và làm việc ở các nước anh em. Đồng thời, cần đề phòng các khuynh hướng không đúng như đưa đi một cách ồ ạt, gây ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và công tác ở trong nước, hoặc vì bản vị, cục bộ mà giữ lại những người cần và đáng được đi bồi dưỡng nâng cao tay nghề và trình độ.

Về thời gian lưu lại bồi dưỡng và lao động ở mỗi nước, phải tuỳ theo yêu cầu và tình hình cụ thể của ta và của bạn mà xác định cho sát.

3. Trong việc tuyển chọn công nhân và cán bộ sang các nước anh em, nên chú ý những công nhân và cán bộ đã từng được đi học tập ở các nước đó; đã học tập ở nước nào thì nên ưu tiên cho trở lại nước đó.

Những học sinh đang học ở các nước xã hội chủ nghĩa, sau khi tốt nghiệp mà trong nước chưa cần ngay, thì có thể cho phép ở lại làm việc có thời hạn cho bạn để tiếp tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ.

4. Những công nhân và cán bộ được tuyển đi bồi dưỡng nâng cao trình độ và làm việc có thời hạn ở các nước có nhiệm vụ học tập tốt và lao động có năng suất cao, đồng thời có nghĩa vụ đóng góp xây dựng Tổ Quốc và giúp đỡ gia đình ở trong nước. Các chính sách, chế độ do Nhà nước ban hành đối với anh chị em phải bảo đảm cho những yêu cầu đó được thực hiện tốt.

5. Giao trách nhiệm cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Lao động và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước bàn bạc với các ngành có liên quan xác định những ngành nghề cần đưa đi bồi dưỡng, xem xét khả năng gửi đi của ta và khả năng tiếp nhận của từng nước, từ đó xây dựng kế hoạch dài hạn và từng năm về việc đưa lao động sang các nước anh em, để trình Hội đồng Chính phủ quyết định.

Giao trách nhiệm cho Bộ Lao động chủ trì cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ban tổ chức của Chính phủ và các ngành khác có liên quan nghiên cứu các chính sách, chế độ cụ thể về việc gửi lao động đi các nước anh em, sớm trình Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

6. Bộ Lao động có nhiệm vụ thống nhất quản lý về mặt Nhà nước toàn bộ công tác đưa công nhân và cán bộ đi bồi dưỡng nâng cao trình độ và làm việc có thời hạn ở các nước xã hội chủ nghĩa, tiếp nhận và phân phối công tác khi anh chị em hoàn thành nhiệm vụ trở về nước.

Bộ Lao động được phép thành lập Cục hợp tác quốc tế về lao động để giúp Bộ thực hiện nhiệm vụ trên. Bộ cần từng bước xây dựng những cơ sở vật chất cần thiết để tập trung bồi dưỡng những người lao động được tuyển trước khi đưa đi các nước anh em, và tiếp nhận khi anh chị em trở về nước. Trước mắt, Uỷ ban nhân dân Hà Nội có trách nhiệm thu xếp cho Bộ Lao động mượn một vài cơ sở sẵn có để dùng vào việc này.

7. Cần tăng cường bộ máy của các Sứ quán ta ở các nước xã hội chủ nghĩa để bảo đảm cho công tác quản lý lưu học sinh, thực tập sinh và số người đi bồi dưỡng nâng cao trình độ và lao động có thời hạn nói trên đạt được hiệu quả tốt. Bộ Ngoại giao chủ trì cùng Ban tổ chức của Chính phủ, Bộ Lao động, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Tổng cục Dạy nghề bàn bạc giải quyết biên chế và cán bộ cần thiết cho bộ phận này.

 

Lê Thanh Nghị

(Đã ký)