Quyết định 38/2018/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau kèm theo Quyết định 02/2016/QĐ-UBND

Số hiệu 38/2018/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/12/2018
Ngày có hiệu lực 01/01/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2018/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 17 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐỐI THOẠI VỚI CÁ NHÂN, TỔ CHỨC VỀ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 02/2016/QĐ-UBND NGÀY 19 THÁNG 4 NĂM 2016 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính;

Căn cứ Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 1176/TTr-VP ngày 27 tháng 11 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

1. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Thành phần tham gia đối thoại

1. Cấp tỉnh: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chủ trì hoặc đồng chủ trì điều hành đối thoại (không ủy quyền cho cấp phó), mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự; huy động cá nhân, tổ chức tham gia đối thoại.

2. Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp chủ trì, điều hành đối thoại (không ủy quyền cho cấp phó), có sự tham gia của Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc và trực thuộc có liên quan đến nội dung đối thoại, mời đại diện lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham dự và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia giám sát; huy động cá nhân, tổ chức tham gia đối thoại.

3. Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp chủ trì, điều hành đối thoại (không ủy quyền cho cấp phó), có sự tham gia của cán bộ, công chức chuyên môn có liên quan đến nội dung đối thoại, đại diện lãnh đạo cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tham gia, giám sát. Mời đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tham dự chỉ đạo; huy động cá nhân, tổ chức tham gia đối thoại.”

2. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Xử lý phản ánh, kiến nghị sau đối thoại

1. Tất cả nội dung được phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức phải được người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp nhận và trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc đối thoại. Nội dung trả lời thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đảm bảo khách quan, trung thực.

2. Trường hợp cần có thời gian thẩm tra, xác minh để xử lý hoặc cần thêm thời gian giải quyết để có kết quả trả lời, thì phải trả lời bằng văn bản ngay sau khi đã có kết quả cụ thể nhưng không quá 10 ngày làm việc.

3. Trường hợp cá nhân, tổ chức không thống nhất kết quả trả lời và tiếp tục phản ánh, kiến nghị thì cơ quan, đơn vị đã giải quyết phải tổng hợp hồ sơ, báo cáo kết quả lên cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp để xem xét trả lời tiếp theo trong thời hạn 07 ngày làm việc.

4. Tất cả văn bản trả lời phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức phải công khai trên phương tiện truyền thông theo quy định hoặc đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang Thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có văn bản trả lời; riêng Ủy ban nhân dân cấp xã phải công khai trên Trang Thông tin điện tử của cấp huyện.”

3. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 15. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.

2. Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau đánh giá sáng kiến, mô hình tổ chức, cách làm hiệu quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét nhân rộng. Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không tốt, không nghiêm Quy chế này.

3. Theo dõi và tổng hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.”

4. Khoản 5 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

[...]