Quyết định 298/2004/QĐ-UB về thành lập Ban Quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ do Thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu | 298/2004/QĐ-UB |
Ngày ban hành | 05/10/2004 |
Ngày có hiệu lực | 05/10/2004 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Võ Thanh Tòng |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 298/2004/QĐ-UB |
TP.Cần Thơ, ngày 05 tháng 10 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ KHU ĐÔ THỊ NAM CẦN THƠ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đai 05 năm (2001-2005) tỉnh Cần Thơ;
Xét đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban Quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ là cơ quan thuộc UBND thành phố Cần Thơ, giúp UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý về đầu tư và xây dựng Khu đô thị Nam Cần Thơ theo đúng qui hoạch, kế hoạch và pháp luật.
Ban Quản lý Khu đô thị Nam Cần Thơ (sau đây viết tắt là Ban Quản lý Khu đô thị) chịu sự quản lý toàn diện và trực tiếp của UBND thành phố; đồng thời, có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định pháp luật về đầu tư và xây dựng.
Ban Quản lý Khu đô thị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Phạm vi do Ban Quản lý Khu đô thị quản lý được xác định theo ranh giới với diện tích 2.082 ha, được UBND tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 90/2002/QĐ-UB ngày 04 tháng 10 năm 2002 và Quyết định số 2207/QĐ-UB ngày 02 tháng 7 năm 2003.
Thời gian hoạt động của Ban Quản lý Khu đô thị cho đến khi hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Khu đô thị Nam Cần Thơ (sau đây viết tắt là Khu đô thị). Việc chấm dứt hoạt động của Ban Quản lý Khu đô thị sẽ do UBND thành phố xem xét, quyết định.
2. Ban Quản lý Khu đô thị có trách nhiệm giúp UBND thành phố tổ chức vận động đầu tư, thực hiện việc quản lý đầu tư theo cơ chế “một cửa” về đầu tư và xây dựng; đồng thời, phối hợp với các cơ quan trực thuộc UBND thành phố, UBND quận Cái Răng và các địa phương, đơn vị có liên quan để tổ chức thực hiện việc quản lý đầu tư và xây dựng theo quy định pháp luật.
3. Về lĩnh vực quản lý kiến trúc, quy hoạch:
3.1. Căn cứ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của Khu đô thị được duyệt, Ban Quản lý Khu đô thị tổ chức quản lý về triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết các dự án; phối hợp với các ngành chức năng tham mưu về lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình UBND thành phố xem xét phê duyệt (quy trình lập và trình duyệt theo quy định của Nhà nước);
3.2. Tổ chức kiểm tra các đơn vị, nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, công bố công khai các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; cắm các mốc giới quy hoạch ngoài thực địa; kiểm tra, giám sát việc xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc xây dựng và mẫu nhà trong Khu đô thị; phát hiện kịp thời các tổ chức và cá nhân vi phạm để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật;
3.3. Phối hợp với cơ quan quản lý kiến trúc xây dựng của thành phố công bố các mẫu nhà, thỏa thuận kiến trúc xây dựng quy hoạch đối với các dự án đầu tư và xây dựng theo sự hướng dẫn của Sở Xây dựng; trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và ban hành Điều lệ quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị và môi trường theo quy hoạch và định hướng kiến trúc đô thị.
4. Về lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng:
4.1. Thống nhất quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư và xây dựng trong Khu đô thị theo đúng quy định Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm tra, giám sát các Chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, tiến độ, chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về trách nhiệm và nghĩa vụ có liên quan trong quá trình đầu tư. Xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm trong đầu tư và xây dựng theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý đúng quy định pháp luật hiện hành;
4.2. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách và các giải pháp triển khai thực hiện trong quá trình đầu tư và xây dựng Khu đô thị, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định; các phương án thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật;
4.3. Phối hợp với các nhà đầu tư tổ chức huy động vốn để triển khai thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật giáp ranh giữa các khu dân cư theo quy định của nhà nước và quy hoạch được duyệt;
4.4. Phối hợp với các cơ quan có liên quan trình UBND thành phố ghi kế hoạch vốn ngân sách đối với dự án do Nhà nước đầu tư trong Khu đô thị. Quản lý các dự án thuộc kế hoạch do UBND thành phố giao, trên cơ sở bảo đảm các thủ tục theo quy định pháp luật;
4.5. Tiếp nhận và thẩm tra các hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án đầu tư để trình cơ quan chức năng phê duyệt theo thẩm quyền;
4.6. Phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan thống nhất quản lý các dự án đầu tư trong việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (đường giao thông, điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc, công viên, cây xanh,...) theo đúng quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước và tiến độ thời gian, đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật.
5. Về lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai:
5.1. Phối hợp với cơ quan quản lý đất đai tiến hành điều tra, khảo sát đo đạc, lập bản đồ địa chính và kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch;
5.2. Làm đầu mối phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Cái Răng và các cơ quan có chức năng trong việc quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở; tiếp nhận yêu cầu và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục thu hồi đất và giao đất, giải phóng mặt bằng, các chính sách bồi thường thiệt hại, tái định cư và huy động quỹ đất ở theo quy định pháp luật hiện hành;