Quyết định 279-CT năm 1988 về việc thống nhất kinh doanh xăng dầu vào Tổng công ty Xăng dầu (bộ vật tư) do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 279-CT
Ngày ban hành 29/10/1988
Ngày có hiệu lực 29/10/1988
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Trần Đức Lương
Lĩnh vực Thương mại

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 279-CT

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 1988

 

 QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỐNG NHẤT KINH DOANH XĂNG DẦU VÀO TỔNG CÔNG TY XĂNG DẦU (BỘ VẬT TƯ)

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Nghị quyết số 3-NQ/HNTƯ của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 (khoá VI);
Căn cứ Quyết định số 231-HĐBT ngày 31-12-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về chuyển ngành vật tư sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa và sắp xếp lại tổ chức kinh doanh vật tư;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Vật tư, Bộ Kinh tế đối ngoại và Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước,

QUYẾT NGHỊ:

 Điều 1. Giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty xăng dầu (Bộ Vật tư) thống nhất kinh doanh xăng dầu trong cả nước từ nhập khẩu đến bán cho các nhu cầu tiêu dùng.

Điều 2. Nhập khẩu xăng dầu:

1- Để bảo đảm nhu cầu xăng dầu cho nền kinh tế quốc dân, Tổng Công ty xăng dầu được phép:

a) Trực tiếp nhập khẩu xăng dầu, kể cả dầu hoả và dầu mỡ kỹ thuật từ các nguồn:

- Nguồn nhập khẩu tập trung của Nhà nước theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ ta và Chính phủ các nước khác (trừ các Hiệp định hợp tác chuyên ngành).

- Nguồn nhập khẩu của Tổng Công ty bằng vốn ngoại tệ tự có hoặc đi vay; liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước theo đúng pháp luật và theo nguyên tắc tự hoàn trả vốn, lãi vay.

b) Mua dầu thô, thuê chế biến rồi đưa sản phẩm chế biến về nước.

c) Mua và bán xăng dầu trên thị trường quốc tế; tái xuất khẩu xăng dầu nếu xét thấy có lợi.

d) Làm đại lý độc quyền bán xăng dầu và làm dịch vụ cho các hãng nước ngoài.

đ) Làm đại lý độc quyền nhập khẩu xăng dầu theo sự uỷ thác của các chủ hàng trong và ngoài nước.

e) Được cử đại diện của mình trong cơ quan Thương vụ nước ta tại các nước có quan hệ mua bán xăng dầu với khối lượng lớn trên cơ sở tự chịu chi phí cho hoạt động của đại diện của mình ở nước ngoài.

2- Bộ Kinh tế đối ngoại chuyển giao nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu gồm cả dầu hoả và dầu mỡ kỹ thuật của Tổng Công ty xuất nhập khẩu khoảng sản sang Tổng Công ty xăng dầu (Bộ Vật tư) cùng nhân sự tương ứng và các hồ sơ liên quan.

Tổng Công ty xăng dầu chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Kinh tế đối ngoại về các hoạt động ngoại thương của mình.

3- Các chủ hàng trong nước có xăng dầu nhập khẩu theo Hiệp định hợp tác chuyên ngành hoặc có ngoại tệ muốn nhập khẩu thêm xăng dầu, đều phải uỷ thác cho Tổng Công ty xăng dầu tiếp nhận và nhập khẩu.

Điều 3. Bán xăng dầu:

1- Xăng dầu nhập khẩu theo Hiệp định của Chính phủ:

a) Phần xăng dầu được cân đối theo chỉ tiêu pháp lệnh (hoặc đặt hàng) bán đủ số lượng, chất lượng đúng địa chỉ và theo giá chỉ đạo.

Đối với các cơ sở sản xuất được Nhà nước giao chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất (hoặc đặt hàng), Tổng Công ty xăng dầu có trách nhiệm phối hợp với bên thứ 3 (đơn vị được Nhà nước chỉ định đặt mua sản phẩm) để ký hợp đồng bán xăng dầu cho cơ sở sản xuất theo nguyên tắc phối hợp cung ứng - sản xuất - tiêu thụ; tạm ngừng bán theo yêu cầu chính thức của bên thứ 3 nếu cơ sở sản xuất không sản xuất hoặc không giao sản phẩm đúng và đủ theo chỉ tiêu pháp lệnh (hoặc đặt hàng Nhà nước).

Khi ngừng bán phải báo cáo kịp thời cho Bộ chủ quản và các cơ quan hữu quan biết; đồng thời các bên liên quan phải gặp nhau để quyết toán hợp đồng.

Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với phần xăng dầu bán theo chỉ tiêu pháp lệnh cho xây dựng, vận tải và các yêu cầu khác của Nhà nước.

b) Đối với phần xăng dầu không cân đối theo chỉ tiêu pháp lệnh, Tổng Công ty bán theo giá bảo đảm kinh doanh. Tổng Công ty xăng dầu có trách nhiệm tổ chức mạng lưới bán lẻ, phân bố điều hoà nguồn, phục vụ các thành phần kinh tế, các vùng lãnh thổ trên cơ sở hạn mức kế hoạch hướng dẫn của Nhà nước.

2- Các chủ hàng trong nước có xăng dầu thuộc nguồn ghi ở điểm 3, điều 2, nếu dùng không hết muốn bán thì phải bán lại cho Tổng Công ty xăng dầu hoặc giao cho Tổng Công ty xăng dầu bán theo chế độ uỷ thác.

3- Dầu hoả nhập khẩu theo Hiệp định Chính phủ, Tổng Công ty xăng dầu bán tại cảng cho các tổ chức thương nghiệp bán buôn do Bộ Nội thương chỉ định theo giá bán buôn hàng nhập khẩu.

[...]