Quyết định 210/2003/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và quy chế hoạt động của Ban Nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 210/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/10/2003
Ngày có hiệu lực 29/10/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 210/2003/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN NGHIÊN CỨU CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chsức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, được thành lập theo Quyết định số 473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Ban Nghiên cứu) là cơ quan nghiên cứu, tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, xã hội và hành chính nhà nước.

Điều 2. Ban Nghiên cứu có các nhiệm vụ dưới đây:

1. Giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất phương hướng, nội dung tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách kinh tế, xã hội và hành chính, lựa chọn các khâu đột phá trong từng thời gian.

2. Giúp Thủ tướng Chính phủ đưa ra ý kiến chỉ đạo trong việc hoạch định chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; kiến nghị tư tưởng, chính sách và nội dung cần đổi mới trong việc soạn thảo những văn bản quan trọng, chủ yếu là về thể chế kinh tế khi Thủ tướng yêu cầu; tham gia soạn thảo, soát và tu chỉnh các văn bản được Thủ tướng Chính phủ giao.

3. Tổ chức nghiên cứu, biên tập hoặc tu chỉnh các báo cáo, đề án và văn bản khác theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

4. Thực hiện các công việc khác do Thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3. Để thực hiện các nhiệm vụ nêu ở Điều 2, Ban Nghiên cứu được:

1. Trực tiếp nhận nhiệm vụ và báo cáo, đề xuất ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Mời tham dự các cuộc họp của Chính phủ, các cuộc họp do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các cuộc họp của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương bàn về những vấn đề có liên quan đến nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu.

3. Làm việc với các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và cơ sở, yêu cầu cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu.

4. Văn phòng Chính phủ cung cấp các văn bản, tài liệu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của Ban Nghiên cứu.

5. Hợp tác với các chuyên gia và cơ quan nghiên cứu trong nước, với chuyên gia và cơ quan nước ngoài trong công tác nghiên cứu; tiếp nhận dự án tài trợ quốc tế theo quy định hiện hành của Chính phủ.

Điều 4. Tổ chức của Ban Nghiên cứu bao gồm:

1. Bộ phận chuyên trách của Ban:

- Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Uỷ viên,

- Các chuyên gia, chuyên viên, nghiên cứu viên,

- Công chức, nhân viên làm công tác thông tin- tư liệu và hành chính- quản trị của Ban.

Tổng biên chế bộ phận chuyên trách của Ban Nghiên cứu được Thủ tướng duyệt trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban. Trong những năm trước mắt không quá 30 người (không kể lái xe, người bảo vệ và làm dịch vụ tại trụ sở làm việc của Ban).

Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các Uỷ viên của Ban Nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động và bổ nhiệm.

2. Chuyên gia tư vấn và cộng tác viên của Ban là các nhà khoa học, cán bộ quản lý và cán bộ nghiên cứu ở trong nước và một số chuyên gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đang làm việc ở các cơ quan khác hoặc đã nghỉ hưu, không thuộc biên chế chính thức của Ban.

Chuyên gia tư vấn được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh sách và gửi thư mời tham gia công tác nghiên cứu, tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ, có chế độ làm việc và hưởng phụ cấp (định kỳ). Một số chuyên gia tư vấn có chế độ làm việc thường xuyên tại Ban (chuyên gia tư vấn ở đây được hiểu là những người có trình độ cao về quản lý, về khoa học, chuyên môn, được Thủ tướng mời làm tư vấn).

Cộng tác viên được Trưởng Ban Nghiên cứu mời tham gia các Tổ nghiên cứu của Ban theo từng lĩnh vực hoặc tham gia các nhóm lâm thời nghiên cứu chuyên đề và được hưởng thù lao theo quy định hiện hành. Một số cộng tác viên có chế độ làm việc thường xuyên tại Ban và được hưởng phụ cấp (định kỳ).

Các chuyên gia tư vấn và cộng tác viên được cung cấp thông tin cần thiết, được mời dự các cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc khảo sát ở trong và ngoài nước do Ban tổ chức.

[...]