Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Quyết định 189/2006/QĐ-BQP quy định chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan, tổ chức; cán bộ xã đội và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 189/2006/QĐ-BQP
Ngày ban hành 11/11/2006
Ngày có hiệu lực 18/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ QUỒC PHÒNG

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số: 189/2006/QĐ-BQP

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2006

 

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC; CÁN BỘ XÃ ĐỘI VÀ CHỈ HUY ĐƠN VỊ DÂN QUÂN TỰ VỆ

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ số 19/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ;
Căn cứ Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng

QUYẾT ĐỊNH:

Chương 1:

CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Điều 1. Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức

1. Chức trách

Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) là người chịu trách nhiệm trước cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức về công tác quốc phòng, quân sự; chịu sự chỉ đạo, chỉ huy và điều hành của cơ quan quân sự cấp trên; trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ

a) Cùng Ban Chỉ huy quân sự chủ trì nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của cấp trên; tham mưu cho cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức soạn thảo các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và kế hoạch thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở cơ quan, tổ chức mình.

b) Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức mình theo quy định của pháp luật.

c) Đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức về việc kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển thuộc các lĩnh vực của cơ quan, tổ chức quản lý; phối hợp với địa phương nơi đóng trụ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) thành khu vực phòng thủ vững chắc; trực tiếp giúp cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch B, kế hoạch động viên cơ sở vật chất kỹ thuật cho quân đội, kế hoạch phòng thủ dân sự, chỉ đạo và trực tiếp tham gia diễn tập theo mệnh lệnh của cơ quan ngành dọc cấp trên, cơ quan quân sự địa phương nơi đóng trụ sở.

g) Giúp cấp ủy phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tuyên truyền giáo dục Luật Quốc phòng, Luật An ninh quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công nhân, viên chức; chấp hành lệnh gọi thanh niên nhập ngũ; thực hiện đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi tự vệ, công dân nam trong độ tuổi nhập ngũ, quân nhân dự bị.

e) Cùng với Chính trị viên tham mưu với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng tự vệ; kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự, chỉ huy tự vệ; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, quản lý, chỉ huy cho cán bộ tự vệ thuộc quyền.

Thường xuyên rà soát, củng cố lực lượng tự vệ có số lượng phù hợp và chất lượng cao, tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự theo chương trình quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ; chấp hành lệnh động viên người và phương tiện cho quân đội; tham gia diễn tập, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu theo quy định của cơ quan quân sự có thẩm quyền.

g) Duy trì nền nếp chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vũ khí trang bị trong biên chế của lực lượng tự vệ. Chỉ đạo, chỉ huy tự vệ phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tham gia bảo vệ sản xuất, giữ gìn trật tự trị an, phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, chống cháy, nổ trong nội bộ cơ quan, tổ chức và địa bàn đứng chân.

h) Hàng năm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự của cơ quan, tổ chức.

i) Nắm chắc tình hình chính trị - xã hội, cùng Chính trị viên đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ đạo, thực hiện chính sách, chế độ đối với lực lượng tự vệ, quân nhân dự bị và chính sách hậu phương quân đội.

k) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý ở các địa phương thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; thực hiện chế độ báo cáo, giao ban, kiểm tra, sơ kết, tổng kết về công tác quốc phòng, quân sự theo quy định.

3. Mối quan hệ công tác

a) Với cấp ủy Đảng cơ quan, tổ chức: Là quan hệ giữa lãnh đạo và chịu sự lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nghị quyết về công tác quốc phòng, quân sự và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với cấp ủy của cơ quan, tổ chức.

b) Với người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Là quan hệ giữa chỉ đạo, điều hành và chịu sự chỉ đạo, điều hành. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chấp hành sự chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; đồng thời, tham mưu, đề xuất những biện pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự.

c) Với Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức cấp trên: Là quan hệ cấp dưới với cấp trên. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức chịu sự chỉ đạo và chỉ huy của Ban Chỉ huy quân sự cấp trên về công tác quốc phòng, quân sự của đơn vị mình.

d) Với Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự địa phương:

- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (sau đây gọi chung là bộ, ngành Trung ương): Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng theo quy định của Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ; chịu sự chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng tự vệ, dự bị động viên thuộc các bộ, ngành Trung ương thông qua sự chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương các cấp; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trong phạm vi chức năng, quyền hạn của Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng.

- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp tỉnh: Chịu sự chỉ đạo của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh về công tác quốc phòng, quân sự địa phương thuộc các lĩnh vực của cơ quan, tổ chức mình quản lý; đồng thời, có mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng về một số mặt công tác thuộc chức năng của cơ quan, tổ chức mình liên quan đến công tác quốc phòng như: Giáo dục quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; xây dựng tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố, thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) nơi đóng trụ sở về xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ; quản lý lực lượng dự bị động viên; đăng ký công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ và tuyển quân; hoạt động chiến đấu - trị an, bảo vệ cơ quan trong khu vực phòng thủ của địa phương.

- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thuộc cấp huyện: Chịu sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về công tác quốc phòng, quân sự địa phương thuộc phạm vi của cơ quan, tổ chức mình.

[...]