Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Quyết định 15/2009/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết 24/2008/NQ-CP và Chương trình hành động 20-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 15/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/03/2009
Ngày có hiệu lực 19/03/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Tấn Thành
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2009/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 09 tháng 3 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24/2008/NQ-CP NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 20-NQ/TU NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH THUẬN (KHÓA XI) VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Thực hiện Chương trình hành động số 20-NQ/TU ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ và Chương trình hành động số 20-NQ/TU ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 24/2008/NQ-CP NGÀY 28 THÁNG 10 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 20-NQ/TU NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2008 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH THUẬN (KHÓA XI) VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

I. YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU

1. Yêu cầu:

Tập trung quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ và Chương trình hành động số 20-NQ/TU ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (khóa XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố liên hệ với điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các đề án chuyên ngành, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ cụ thể để tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện.

2. Mục tiêu:

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng bộ mặt nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là các vùng khó khăn. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc;

- Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đảm bảo an ninh lương thực. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm ngành nông - lâm - thủy sản đạt 5,5 đến 6% giai đoạn 2011-2020; tăng nhanh sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm - thủy sản có lợi thế;

- Nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên đất, nước trên cơ sở áp dụng khoa học công nghệ. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết cơ bản việc làm và nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn;

- Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng hiện đại, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch;

- Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thực hiện một bước các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trước mắt, tập trung thực hiện các mục tiêu đến năm 2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XI đã đề ra; tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế. Mỗi năm có khoảng 20.000 lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 40%. Chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, giảm hộ nghèo theo chuẩn mới còn 5 - 7%, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch đạt 85%.

II. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, quy hoạch; rà soát chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân:

a) Tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt ở địa bàn nông thôn như Chương trình 661, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình 135,…

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình "Xây dựng nông thôn mới", với các nội dung chính: xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn môi trường sinh thái; phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức tốt đời sống văn hóa cơ sở; từng bước xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, với các nội dung: nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật sản xuất thích ứng với khí hậu biến đổi; kiện toàn và tăng cường năng lực của cơ quan phòng, chống lụt bão; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai, trước hết là hệ thống đê, kè, hồ chứa nước, trồng rừng phòng hộ ven biển ở các vùng xung yếu; các dự án hỗ trợ dân cư, tái định cư, công trình phòng, chống sạt lở núi, sạt lở ven sông, ven biển… từng sở, ngành chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành, triển khai có hiệu quả chương trình ở mỗi ngành, mỗi địa phương.

[...]