Quyết định 132/2008/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 132/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/09/2008
Ngày có hiệu lực 01/11/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 132/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TỔNG CỤC MÔI TRƯỜNG TRỰC THUỘC BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Tổng cục Môi trường là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về môi trường, thực hiện các dịch vụ công theo quy định của pháp luật

2. Tổng cục Môi trường có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, tài khoản riêng và trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Tổng cục Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

a. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án về môi trường để ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, phê duyệt.

b. Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về môi trường để gửi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố theo quy định của pháp luật;

c. Dự thảo thông tư, quyết định, chỉ thị, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường.

2. Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án về môi trường sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

3. Thực hiện công tác phổ biến, giáo dục; trả lời, giải đáp chính sách, pháp luật về môi trường theo quy định của pháp luật.

4. Về kiểm soát ô nhiễm:

a. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; theo dõi, đánh giá tình hình nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và các vấn đề môi trường có liên quan;

b. Kiểm tra việc lập danh mục và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, ngành và địa phương) theo quy định của pháp luật; chủ trì việc tổng hợp, lập danh mục và đề xuất biện pháp xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có quy mô vượt quá thẩm quyền hoặc khả năng xử lý của Bộ, ngành và địa phương;

c. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, xử lý và khắc phục ô nhiễm môi trường do các sự cố môi trường gây ra theo quy định của pháp luật; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc tham mưu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động các nguồn lực nhằm ứng phó, khắc phục ô nhiễm môi trường do các sự cố môi trường gây ra;

d. Tổ chức thực hiện việc: đăng ký, chứng nhận cơ sở và sản phẩm thân thiện với môi trường; cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và các loại giấy phép khác về môi trường theo quy định của pháp luật;

đ. Kiểm soát chất lượng môi trường tại các đô thị, nông thôn, miền núi, lưu vực sông và vùng ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề; kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, mưa axit theo quy định của pháp luật;

e. Tổ chức đánh giá, khoanh vùng, xây dựng bản đồ ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước và theo vùng; chỉ đạo việc xây dựng bản đồ ô nhiễm môi trường của các địa phương để định hướng cho việc kiểm soát ô nhiễm.

5. Về quản lý chất thải và cải thiện môi trường:

a. Điều tra, thống kê, dự báo và thống nhất quản lý nhà nước về chất thải, các nguồn thải và nguồn gây ô nhiễm khác trên phạm vi cả nước; đánh giá, dự báo tình trạng ô nhiễm, suy thoái và sức chịu tải của các thành phần môi trường theo khu vực và vùng trên phạm vi cả nước.

b. Cấp, gia hạn, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, kiểm tra: việc quản lý chất thải nguy hại, điều kiện hành nghề, giấy phép hành nghề và mã số quản lý chất thải nguy hại; việc thu hồi, xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ và kiểm toán chất thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật

c. Lập, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt danh mục công nghệ xử lý chất thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung cần được khuyến khích chuyển giao, hạn chế chuyển giao hoặc cấm chuyển giao;

d. Chỉ đạo việc điều tra, xác định các khu vực môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị suy thoái trên địa bàn liên tỉnh, liên quốc gia và chủ trì tổ chức thực hiện các phương án phục hồi theo quy định của pháp luật

[...]