Quyết định 01/QĐ-UBNQTNCT về chương trình hoạt động hưởng ứng năm quốc tế người cao tuổi do Chủ tịch Ủy ban năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam ban hành

Số hiệu 01/QĐ-UBNQTNCT
Ngày ban hành 04/05/1999
Ngày có hiệu lực 04/05/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Uỷ ban Năm quốc tế người cao tuổi
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/QĐ-UBNQTNCT

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM SỐ 01/QĐ-UBNQTNCT NGÀY 04 THÁNG 5 NĂM 1999 VỀ CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI

Chủ tịch Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quyết định số 121/1998/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 59/CT-TW ngày 27 tháng 9 năm 1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chăm sóc người cao tuổi;
Theo đề nghị của Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Uỷ viên Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan thành viên Uỷ ban, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-UBNQTNCT ngày 04 tháng 5 năm 1999 của Chủ tịch Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi)

Thực hiện Quyết định số 121/1998/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam; Chỉ thị số 34/1998/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi. Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam triển khai chương trình hoạt động như sau:

I. CHỦ ĐỀ NĂM QUỐC TẾ NGƯỜI CAO TUỔI LÀ:

Chủ đề của các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi là:

"HƯỚNG TỚI MỘT XÃ HỘI CHO MỌI LỨA TUỔI"

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ:

1. Tuyên truyền giáo dục nhằm tạo ra nhận thức đúng đắn và tích cực về người cao tuổi, làm rõ tầm quan trọng trách nhiệm của gia đình, xã hội trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước;

2. Tăng cường hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi về sức khoẻ, tâm lý và tinh thần, nhất là việc hỗ trợ, chăm sóc nhóm yếu thế như người già bệnh tật, người già cô đơn, người già là phụ nữ, người già ở nông thôn. Tạo môi trường và điều kiện để có nhiều hoạt động của người già tự giúp đỡ lẫn nhau ở gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền.

III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG:

A. NHỮNG BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG:

1. Tiến hành đợt vận động tuyên truyền về người cao tuổi và Năm quốc tế Người cao tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng;

2. Tổ chức những hoạt động cụ thể tác động đến người cao tuổi, đặc biệt là đối với người cao tuổi thuộc nhóm yếu thế;

3. Tổ chức một số hoạt động của Nhà nước của tổ chức người cao tuổi ở các cấp, các ngành để hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi;

4. Tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động văn hoá, tinh thần, thể dục thể thao của người cao tuổi;

5. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, khẳng định sự quan tâm của Nhà nước đối với người cao tuổi;

6. Xuất bản các tài liệu tuyên truyền, công bố các công trình nghiên cứu về người cao tuổi;

7. Tổ chức hội nghị tổng kết những hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi.

B. HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ CỦA CÁC BỘ, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam:

- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Pháp lệnh người cao tuổi;

- Xây dựng Luật bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm tự nguyện cho người cao tuổi ở nông thôn;

- Nghiên cứu, đề xuất chế độ đối với người cao tuổi;

- Thường xuyên theo dõi các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi của Bộ, ngành, tổ chức, địa phương; dự thảo báo cáo và tổ chức hội nghị tổng kết các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi.

2. Bộ Y tế:

- Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu phòng, chữa bệnh cho người cao tuổi;

- Xuất bản một số sách khoa học thường thức về người cao tuổi;

- Tổ chức các lớp tập huấn dưỡng sinh nhằm nâng cao sức khoẻ và phòng bệnh đối với người cao tuổi;

- Tổ chức đào tạo hướng dẫn viên về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi;

- Điều tra dịch tễ, tình hình bệnh tật, nhu cầu chăm sóc của người cao tuổi;

- Xây dựng các mô hình dịch vụ chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ người già phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam;

- Tại các địa phương ngành Y tế phù hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội khám, chữa bệnh cho người già cô đơn, nghèo; tổ chức nghỉ ngơi, an dưỡng; phát động phong trào trồng cây thuốc nam; từng bước tổ chức khám điều trị lâu dài, kết hợp y tế và gia đình chữa bệnh cho người già.

3. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam:

- Cổ động, đưa tin những nội dung của Năm quốc tế Người cao tuổi;

- Tăng thời lượng phát sóng chương trình Cây cao bóng cả trên VTV3, Câu lạc bộ người cao tuổi, với các nội dung phong phú;

- Xây dựng các chuyên mục và có một số chương trình về đề tài người cao tuổi - Năm quốc tế Người cao tuổi;

- Thực hiện một số chương trình ca nhạc, phim truyền hình về chủ đề người cao tuổi;

- Xây dựng một số chương trình văn học nghệ thuật, chương trình hướng dẫn luyện tập dưỡng sinh cho người cao tuổi.

4. Hội người cao tuổi Việt Nam:

- Có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn cấp Hội ở địa phương tổ chức hoạt động hưởng ứng phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động;

- Phát động Hội viên giúp đỡ nhau, đặc biệt là giúp nhóm yếu thế;

- Đẩy mạnh phong trào người già mẫu mực, xây dựng gia đình văn hoá mới;

- Tổ chức câu lạc bộ người già với nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp và thiết thực.

5. Bộ Tài chính:

- Bố trí kinh phí cho các hoạt động của Uỷ ban Năm quốc tế Người cao tuổi Việt Nam;

- Chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương tạo điều kiện giúp đỡ một phần kinh phí cho chương trình hoạt động Năm quốc tế Người cao tuổi các cấp;

- Tham gia cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo Pháp lệnh người cao tuổi.

6. Bộ Văn hoá - Thông tin:

- Tổ chức tuyên truyền các văn bản của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi. Xây dựng các phim phóng sự tài liệu, tiểu phẩm tuyên truyền về các hoạt động của người cao tuổi nhân Năm quốc tế Người cao tuổi;

- Tổ chức triển lãm các thành tựu về người cao tuổi;

- Tổ chức các hoạt động văn hoá đối với người cao tuổi như thi thơ ca, nhạc trong phạm vi cho phép.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với các Ban, ngành liên quan với các hoạt động cụ thể tạo điều kiện để Hội người cao tuổi Việt Nam tham gia tổng kết hoạt động thực tiễn và nghiên cứu khoa học về người cao tuổi.

8. Uỷ ban Thể dục Thể thao:

- Phối hợp với Hội người cao tuổi Việt Nam phổ biến các kiến thức cần thiết cho sức khoẻ, hướng dẫn luyện tập phòng, chữa bệnh;

- Hướng dẫn tổ chức hoạt động thể dục, thể thao phù hợp với người cao tuổi; tổ chức thi đấu một số môn thể thao cho người cao tuổi;

- Hướng dẫn các địa phương tổ chức một số cuộc thi thể dục, thể thao thích hợp.

9. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện Chương trình hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế Người cao tuổi cụ thể tại địa phương.

Đề nghị Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể phối hợp với các Bộ, ngành địa phương thực hiện chương trình hoạt động:

- Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương: chỉ đạo tổ chức tuyên truyền các văn kiện của đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi, các gương tập thể, cá nhân, gia đình văn hoá gương mẫu, những đơn vị cá nhân có những việc làm thiết thực với người cao tuổi; chỉ đạo xuất bản sách, chuyện về người cao tuổi và nâng cao chuyên mục Cây cao bóng cả trên Đài Truyền hình Việt Nam, đài tiếng nói Việt Nam.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu chính sách đối với người cao tuổi, đặc biệt phụ nữ cao tuổi; khai thác khả năng cứu trợ của tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế; tổ chức trợ giúp phụ nữ cao tuổi, cô đơn không nơi nương tựa...

- Hội Cựu chiến binh: Tổ chức tuyên truyền trên các số báo Cựu Chiến binh những nội dung nói về người cao tuổi, Năm quốc tế Người cao tuổi, những gương người cao tuổi sản xuất giỏi, gương mẫu tiêu biểu trong mọi hoạt động; các cấp hội tổ chức những nội dung, biện pháp cụ thể nhằm chăm sóc người cao tuổi là những hội viên khó khăn trong cuộc sống; tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà các cụ lão thành Cách mạng hàng năm.

- Hội Nông dân Việt Nam: Tổ chức cho cán bộ hội viên học tập, nghiên cứu những văn bản tài liệu về người cao tuổi, Năm quốc tế Người cao tuổi; tăng lượng tin về Người cao tuổi ở nông thôn trong nội dung báo "Nông thôn ngày nay", tạp trí "Nông thôn mới", Chương trình truyền hình "Hội Nông dân với phát triển nông thôn"; đẩy mạnh hoạt động phong trào toàn dân chăm sóc người cao tuổi, với biện pháp phù hợp thiết thực cho các hội viên ở nông thôn nhất là hội viên thuộc diện nghèo, hướng dẫn khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm đối với người cao tuổi ở nông thôn còn có nhu cầu làm việc để vừa có thu nhập vừa tăng niềm vui.

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ