Quy định 547 năm 1991 về hình thức và nội dung các tài liệu của đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá do Cục Sáng chế ban hành

Số hiệu 547
Ngày ban hành 30/11/1991
Ngày có hiệu lực 15/12/1991
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Cục Sáng chế
Người ký Đoàn Phương
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

CỤC SÁNG CHẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 547

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 1991

 

QUY ĐỊNH

CỦA CỤC SÁNG CHẾ - UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC SỐ 547 NGÀY 30 THÁNG 11 NĂM 1991 VỀ HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CÁC TÀI LIỆU CỦA ĐƠN VỊ YÊU CẦU BẢO HỘ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ

Việc làm và nộp đơn yêu cầu bảo hộ NHHH được quy định tại Điều 4 Điều lệ về Nhãn hiệu hàng hoá (ban hành kèm theo Nghị định 197/HĐBT ngày 14-12-1982, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 84/HĐBT ngày 20-03-1990) và phần B, mục IV, chương II. Thông tư 1134/SC ngày 17-10-1991 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định 84/HĐBT ngày 20-03-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (gọi tắt là Thông tư). Căn cứ điểm 64.6 của Thông tư, Cục Sáng chế quy định hình thức, nội dung các tài liệu của đơn vị yêu cầu bảo hộ NHHH như sau:

I. TỜ KHAI XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ NHHH

Mẫu tờ khai xin cấp GCN đăng ký NHHH được quy định tại phụ lục 9 của Thông tư. Tờ khai có thể được trình bày trên mẫu in sẵn, đánh máy hoặc viết tay trên khổ giấy A4 (210x297). Nếu viết tay phải cùng một thứ chữ và một màu mực (xanh hoặc đen) không được tẩy xoá.

Các mục tờ khai được ghi như sau:

Mục 1: Ghi đầy đủ tên, địa chỉ trụ sở của người nộp đơn (tổ chức hoặc cá nhân) phù hợp với tên, địa chỉ ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của người nộp đơn hoặc Quyết định thành lập tổ chức. Có thể ghi thêm địa chỉ như thư tín nếu cần thiết và số điện thoại (nếu có).

Mục 2: Ghi tên, địa chỉ, điện thoại (nếu có) của Người đại diện Sở hữu công nghiệp nếu người nộp đơn uỷ quyền cho người đại diện Sở hữu công nghiệp.

Mục 3: Ghi phạm vi đối tượng sản xuất, kinh doanh chính của Người nộp đơn được xác lập trong giấy phép sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc quyết định thành lập tổ chức...

Mục 4: Ghi tên Bộ hoặc tỉnh, thành phố mà người nộp đơn trực thuộc về quản lý.

Mục 5: Dán một mẫu nhãn hiệu xin đăng ký (mẫu nhãn hiệu được quy định tại điểm 64.5 Thông tư và mục 2, phần II của Quy định này).

Mục 6, 7, 8, 9: Đánh dấu (x) vào ô vuông nếu nhãn hiệu xin đăng ký thuộc một hoặc một số loại trong mục này.

Mục 10: Nếu mẫu nhãn hiệu xin bảo hộ trong dạng đen trắng thì không đánh dấu và bỏ trống mục này. Nếu mẫu nhãn hiệu xin bảo hộ trong dạng mầu khác với đen trắng thì đánh dấu và liệt kê đầy đủ các mầu đúng với nhãn hiệu xin đăng ký.

Cần lưu ý rằng nhãn hiệu xin bảo hộ ở dạng đen trắng khi sử dụng có thể được trình bày trong dạng mầu tuỳ ý miễn là không tương tự với một nhãn hiệu mầu đã được bảo hộ. Nhãn hiệu xin đăng ký ở dạng mầu thì phải luôn sử dụng nhãn hiệu trong dạng mầu đỏ.

Mục 11: Việc mô tả nhãn hiệu được quy định cụ thể ở điểm 64.3 của Thông tư.

Mục 12: Việc ghi danh mục các sản phẩm /dịch vụ mang NH được quy định tại điểm 64.4 của Thông tư. Cần phải lưu ý các điểm sau đây: Trong danh mục phải ghi rõ các loại sản phẩm hoặc dịch vụ, không được dùng các tên sản phẩm hay dịch vụ quá chung như "Dụng cụ điện tử", "Đồ nhôm", "Giao thông vận tải"... hoặc các tên quá hẹp như "Biến áp 1000KVA", "Nồi cơm điện 4 lít"... Việc phân lọai sản phẩm và dịch vụ chính xác theo Bảng phân loại Quốc tế hàng hoá và dịch vụ theo Thoả ước Nixơ (Phụ lục kèm theo Quy định này) giúp cho người nộp đơn xác định đúng mức lệ phí phải nộp. Trường hợp phải phân loại lại danh mục, người nộp đơn phải đóng thêm lệ phí phân loại và lệ phí nộp đơn bổ sung theo Thông báo của Cục Sáng chế cho các nhóm sản phẩm, dịch vụ mới nảy sinh cũng phải sửa chữa sai sót trong danh mục (nếu có).

Mục 13: Đánh dấu liệt kê cụ thể các tài liệu gửi kèm theo. Phần cuối tờ khai phải ghi ngày làm đơn, họ tên, chức vụ của người ký và đóng dấu. Nếu cơ sở không có con dấu, người ký tên phải là người được ghi trong Giấy phép đăng ký kinh doanh, nếu người khác ký tên thì phải có xác thực là đại diện của Cơ sở theo quy định về công chứng hiện hành. Nếu người nộp đơn là Người đại diện sở hữu công nghiệp thì phải ghi rõ họ tên, chức vụ người ký và đóng dấu.

II. CÁC GIẤY TỜ KHÁC TRONG ĐƠN:

1. Mẫu ghi nhãn hiệu hàng hoá phải được trình bày theo đúng quy định tại điểm 64.5 của Thông tư. Cần lưu ý rằng mẫu nhãn hiệu phải được tình bầy trên giấy tốt bằng cách in, chụp, photo-copy hoặc vẽ (bằng mầu không phai, nhoè).

2. Chứng từ xác nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hợp pháp có thể là bản sao giấy phép sản xuất, kinh doanh hoặc bản sao Quyết định thành lập tổ chức... của cấp có thẩm quyền, tại thời điểm nộp đơn các giấy tờ phải còn hiệu lực. Bản sao phải được xác thực theo quy định công chứng hiện hành. Việc nộp các chứng từ này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

3. Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu tập thể) do Chủ nhãn hiệu quy định, trong đó nêu các quy tắc phải tuân thủ khi sử dụng nhãn hiệu bao gồm cả quy chế phải bảo đảm mức chất lượng xác định của hàng hoá và danh sách các thành viên được sử dụng nhãn hiệu đó.

4. Giấy uỷ quyền: Nếu đơn vị được nộp thông qua Người đại diện sở hữu công nghiệp, phải có giấy uỷ quyền của người nộp đơn cho Người đại diện sở hữu công nghiệp. Trong giấy uỷ quyền phải ghi rõ phạm vi uỷ quyền hoặc thời hạn uỷ quyền, ngày lập uỷ quyền, họ tên chức vụ của người ký uỷ quyền và đóng dấu. Trường hợp cơ sở Việt Nam không có con dấu phải có xác thực theo quy định công chứng hiện hành tại Việt Nam.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, giấy uỷ quyền phải được công chứng tại nước của người nộp đơn. Nội dung công chứng phải được xác nhận tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc được thành lập hợp pháp tại nước đó và xác nhận họ tên, chức vụ của người ký uỷ quyền.

5. Bản sao đơn đầu tiên hoặc giấy chứng nhận trưng bầy triển lãm để xin quyền ưu tiên theo công ước hoặc chứng từ xác nhận về xuất xứ, giải thưởng nếu là bản sao phải có xác thực công chứng.

6. Nếu trên nhãn hiệu có các dấu hiệu quy định tại mục g, khoản 2, điều 2 của Điều lệ về NHHH phải có Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền quản lý hoặc chủ của các dấu hiệu đó.

7. Chứng từ lệ phí nộp đơn phải phù hợp với số tiền lệ phí phải đóng. Chứng từ này là biên lai thu lệ phí của Cục Sáng chế. Trong trường hợp nộp đơn qua bưu điện, để đảm bảo ngày ưu tiên của đơn, chứng từ lệ phí có thể là biên lai đã gửi tiền lệ phí qua bưu điện với điều kiện Cục Sáng chế nhận được số tiền đó trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được đơn có kèm biên lai trên.

 

Đoàn Phương

(Đã ký)