Nguyên tắc về ngăn chặn và điều tra hiệu quả mọi trường hợp thi hành tử hình không qua xét xử, tùy tiện và trái pháp luật, 1989
Số hiệu | Khongso |
Ngày ban hành | 24/05/1989 |
Ngày có hiệu lực | |
Loại văn bản | Điều ước quốc tế |
Cơ quan ban hành | Liên hợp quốc |
Người ký | *** |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ NGĂN CHẶN VÀ ĐIỀU TRA HIỆU QUẢ MỌI TRƯỜNG HỢP THI HÀNH TỬ HÌNH KHÔNG QUA XÉT XỬ, TÙY TIỆN VÀ TRÁI PHÁP LUẬT, 1989
(Khuyến nghị theo nghị quyết số 1989/65 ngày 24/5/1989 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc).
NGĂN CHẶN
1. Các chính phủ ban hành luật cấm mọi trường hợp thi hành tử hình không qua xét xử, tùy tiện và trái pháp luật và đảm bảo rằng những vụ thi hành tử hình như vậy bị coi là những hành vi phạm tội theo luật hình sự, và có thể bị trừng phạt bằng những hình phạt thích hợp trên cơ sở xem xét mức độ nghiêm trọng của những hành vi phạm tội đó. Những trường hợp ngoại lệ, kể cả tình trạng chiến tranh hoặc đe dọa chiến tranh, bất ổn chính trị trong nước hoặc bất kỳ trường hợp khẩn cấp công cộng nào khác đều không được sử dụng để biện minh cho các vụ thi hành tử hình như vậy. Không thực hiện thi hành tử hình không qua xét xử, tùy tiện và trái pháp luật trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bao gồm không chỉ giới hạn với những trường hợp xung đột vũ trang trong nước, quan chức nhà nước hoặc người thực thi công vụ hoặc cán bộ điều tra sử dụng vũ lực quá giới hạn cho phép, hoặc đồng ý hay nhượng bộ việc sử dụng vũ lực quá giới hạn cho phép và những trường hợp xảy ra án mạng ở nơi giam giữ. Các quy định cấm này sẽ có hiệu lực đối với tất cả những nghị định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
2. Nhằm ngăn chặn việc thi hành tử hình không qua xét xử, tùy tiện và trái pháp luật, các chính phủ đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ kể cả việc thực thi những mệnh lệnh của tất cả những cơ quan chịu trách nhiệm về hoạt động bắt, giữ, tạm giam và giam giữ cũng như những quan chức được pháp luật cho phép sử dụng vũ lực và vũ khí.
3. Các chính phủ cấm các quan chức cao cấp hoặc các cơ quan công quyền ban hành mệnh lệnh cho phép hoặc khuyến khích người khác thực hiện những án tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử. Mọi người có quyền và nghĩa vụ không chấp hành những mệnh lệnh đó. Việc đào tạo những cán bộ thi hành pháp luật sẽ nhấn mạnh đến những quy định trên.
4. Phải bảo đảm bảo vệ có hiệu quả thông qua biện pháp tư pháp hoặc biện pháp khác cho những cá nhân và nhóm có nguy cơ phải chịu những án tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử, kể cả những người bị đe dọa giết.
5. Sẽ không ai bị trao trả hay bị dẫn độ không trên cơ sở tự nguyện sang một quốc gia mà có những cơ sở chắc chắn để tin rằng người đó có thể trở thành nạn nhân của án tử hình trái pháp luật tùy tiện hoặc không qua xét xử ở quốc gia đó.
6. Các chính phủ bảo đảm rằng những người bị tước đoạt tự do được giam giữ ở những nơi được công nhận chính thức và rằng người thân, luật sư và những người đáng tin cậy khác nhanh chóng được thông báo chính xác về nơi giam giữ và tình trạng giam giữ, kể cả việc di lý họ.
7. Những cán bộ thanh tra có trình độ, bao gồm cả cán bộ y tế, hay một quan chức độc lập tương tự, sẽ tiến hành thanh tra thường xuyên địa điểm giam giữ và được trao quyền tiến hành các cuộc thanh tra định kỳ hoặc đột xuất theo kế hoạch của riêng họ, trong đó các hoạt động của họ cần được đảm bảo độc lập. Các thanh tra có quyền tự do tiếp cận với tất cả những người ở những nơi giam giữ này, cũng như với hồ sơ về những người này.
8. Các chính phủ sẽ thực hiện mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn những hoạt động thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử, thông qua các biện pháp như can thiệp ngoại giao, tạo điều kiện cho những người khiếu kiện tiếp cận với những cơ quan tư pháp và liên chính phủ và phản đối công khai: Cơ chế liên chính phủ sẽ được sử dụng để điều tra báo cáo về những hoạt động đó. Các chính phủ, kể cả chính phủ ở những quốc gia có lý do hợp lý để nghi ngờ là có những hoạt động thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện và không qua xét xử, sẽ hợp tác đầy đủ trong các hoạt động điều tra quốc tế về vấn đề này.
VIỆC ĐIỀU TRA
9. Cần tiến hành điều tra thấu đáo, nhanh chóng và khách quan tất cả những trường hợp nghi ngờ thực hiện thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện và không qua xét xử, kể cả những trường hợp khiếu kiện của người thân của nạn nhân hoặc có báo cáo tin cậy cho thấy nạn nhân chết trong những hoàn cảnh không bình thường. Các chính phủ sẽ duy trì các cơ quan và thủ tục điều tra đối với những hoạt động điều tra như vậy. Mục đích của việc điều tra là xác định nguyên nhân, cách thức và thời gian chết, người chịu trách nhiệm và bất kỳ hình thức hay hành động nào dẫn tới trường hợp tử vong đó. Công việc điều tra bao gồm phẫu thuật khám nghiệm tử thi, thu thập và phân tích tất cả bằng chứng trên cơ thể, qua hồ sơ và lời khai của nhân chứng. Việc điều tra sẽ phân biệt trường hợp chết tự nhiên, đột tử, tự tử hay bị giết hại.
10. Cơ quan điều tra có quyền thu thập tất cả những thông tin cần thiết cho hoạt động điều tra. Những người tiến hành hoạt động điều tra được cung cấp ngân sách và nguồn lực kỹ thuật cần thiết cho hoạt động điều tra của họ có hiệu quả. Họ cũng có quyền buộc các quan chức bị nghi ngờ dính líu vào những vụ hành hình đó đến trình diện và điều trần. Các nhân chứng cũng có thể bị yêu cầu tương tự. Nhằm mục đích này, cán bộ điều tra sẽ có quyền ra lệnh triệu tập nhân chứng, kể cả đối với những quan chức bị cáo buộc có liên quan và được phép tiến hành lấy chứng cứ.
11. Trong những trưởng hợp các thủ tục điều tra chính thức chưa hoàn thiện do thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc sự khách quan, do tầm quan trọng của vấn đề hoặc do tồn tại rõ ràng hình thức lạm dụng và trong những trường hợp mà gia đình nạn nhân khiếu nại về những nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, thì các chính phủ sẽ tổ chức các hoạt động điều tra thông qua một ủy ban độc lập trên cơ sở năng lực, sự khách quan và sự độc lập với tư cách cá nhân. Đặc biệt, họ sẽ độc lập với bất kỳ cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào mà có thể là đối tượng điều tra. Ủy ban sẽ có quyền thu thập tất cả những thông tin cần thiết cho hoạt động điều tra và tiến hành điều tra theo quy định của những nguyên tắc này.
12. Tử thi của nạn nhân sẽ được chôn cất sau khi bác sỹ chuyên môn đã tiến hành khám nghiệm tử thi. Bác sỹ này, nếu có thể, là một chuyên gia về pháp y. Những người tiến hành khám nghiệm tử thi có quyền tiếp cận tất cả các số liệu điều tra, đến nơi phát hiện ra tử thi và nơi được cho là đã xảy ra việc thi hành tử hình. Nếu tử thi đã được chôn cất, nhưng sau đó cần phải tiến hành điều tra, thì tử thi sẽ nhanh chóng được khai quật trên cơ sở được phép của cơ quan chức năng nhằm phục vụ cho việc khám nghiệm. Nếu hài cốt được phát hiện còn nguyên vẹn, thì cần tiến hành khai quật cẩn thận và nghiên cứu những hài cốt đó theo những kỹ thuật nhân chủng học một cách đồng bộ.
13. Tử thi sẽ được lưu trong thời gian đủ để các chuyên gia khám nghiệm tử thi tiến hành điều tra kỹ lưỡng. Việc khám nghiệm tử thi ít nhất là nhằm xác định danh tính của nạn nhân, nguyên nhân và cách thức chết. Thời điểm và nơi chết cũng sẽ được xác định trong phạm vi có thể. Trong báo cáo khám nghiệm tử thi sẽ kèm theo cả ảnh màu chụp chi tiết tử thi để lập thành hồ sơ và hỗ trợ cho những kết quả điều tra. Báo cáo khám nghiệm tử thi phải mô tả tất cả các vết thương trên tử thi, kể cả những bằng chứng, vết tích tra tấn.
14. Để đảm bảo những kết quả khách quan, những người khám nghiệm tử thi phải được tạo điều kiện làm việc khách quan và độc lập với mọi cá nhân, tổ chức hay thực thể có thể có liên quan.
15. Mọi nguyên đơn, nhân chứng, những người tiến hành điều tra và gia đình họ phải được bảo vệ không bị bạo lực, đe dọa bạo lực và những hình thức đe dọa khác. Những người có khả năng liên quan đến việc thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử sẽ bị thuyên chuyển khỏi chức vụ quản lý hay quyền lực, cho dù trực tiếp hay gián tiếp, đối với các nguyên đơn, nhân chứng và gia đình họ cũng như đối với những người tiến hành các hoạt động điều tra.
16. Gia đình và người đại diện hợp pháp của người chết sẽ được thông báo và được tham dự mọi phiên xét xử cũng như về tất cả những thông tin liên quan đến cuộc điều tra và có quyền trình bày những bằng chứng khác. Gia đình người chết có quyền yêu cầu đại diện y tế hoặc đại diện có trình độ khác có mặt tại cuộc khám nghiệm tử thi. Khi đã xác định được danh tính của tử thi, thì cần tiến hành khai thi; gia đình hoặc người thân của nạn nhân sẽ được thông báo ngay sau đó. Tử thi sẽ được trả lại cho gia đình sau khi hoàn thành công việc điều tra.
17. Phải báo cáo bằng văn bản trong thời gian hợp lý về những phương pháp và kết quả điều tra. Báo cáo này sẽ được công bố công khai ngay sau khi hoàn thành, trong đó bao gồm phạm vi điều tra, thủ tục và phương pháp được sử dụng nhằm thẩm định chứng cứ cũng như các kết luận và kiến nghị trên cơ sở bằng chứng thực tế và pháp luật áp dụng. Báo cáo cũng mô tả chi tiết những sự kiện đã xảy ra và bằng chứng làm cơ sở xác định và liệt kê tên của những nhân chứng đã được thẩm tra, ngoại trừ trường hợp những nhân chứng được giấu tên vì lý do bảo vệ riêng họ. Trong thời gian hợp lý, Chính phủ sẽ hoặc phúc đáp báo cáo điều tra hoặc chỉ ra các bước cần được tiến hành để phúc đáp báo cáo đó.
CÁC THỦ TỤC TỐ TỤNG
18. Các chính phủ sẽ bảo đảm rằng những người được xác nhận qua cuộc điều tra là đã tham gia vào hoạt động thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử trên mọi lãnh thổ thuộc quyền tài phán của họ, thì đều bị đem ra xét xử. Các chính phủ hoặc sẽ đưa những người đó ra xét xử hoặc sẽ hợp tác để dẫn độ những người như vậy sang những quốc gia khác mong muốn thực thi quyền tài phán. Nguyên tắc này được áp dụng bất kể người phạm tội hay nạn nhân là ai và ở đâu, bất kể quốc tịch của những người này và nơi xảy ra hành vi phạm tội.
19. Không xâm phạm đến quy định tại nguyên tắc 3 nêu trên, không được viện dẫn bất kỳ mệnh lệnh nào của cán bộ cấp trên hay của một cơ quan công quyền nhằm biện minh cho những hành động thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử. Mọi lãnh đạo cấp trên, cán bộ hoặc các cán bộ công chức khác có thể phải chịu trách nhiệm về những hành vi do những cán bộ thuộc sự quản lý của họ thực hiện nếu họ đã có cơ hội thích hợp để ngăn chặn những hành vi đó. Trong mọi trường hợp, kể cả tình trạng chiến tranh, bị chiếm đóng, hoặc trong tình trạng khẩn cấp công cộng khác, người bị cáo buộc liên quan đến hoạt động thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử đều không được miễn trách nhiệm truy tố.
20. Gia đình và những người sống phụ thuộc của nạn nhân của những hành động thi hành tử hình trái pháp luật, tùy tiện hoặc không qua xét xử có quyền được bồi thường thỏa đáng và công bằng trong phạm vi thời gian thích hợp.