Nghị quyết 972/NQ-UBTVQH13 năm 2015 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 972/NQ-UBTVQH13
Ngày ban hành 13/07/2015
Ngày có hiệu lực 13/07/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 972/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI)

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12;

Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 186/TTr-CP ngày 27 tháng 04 năm 2015 về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Tờ trình số 323/TTr-CP ngày 30 tháng 6 năm 2015 về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)

Giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Điều 2. Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để Bộ luật hình sự đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Điều 3. Yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân

1. Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân góp ý vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

2. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

3. Bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến Nhân dân.

Điều 4. Đối tượng, nội dung và hình thức lấy ý kiến Nhân dân

1. Đối tượng lấy ý kiến:

Các tầng lớp Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Nội dung lấy ý kiến: lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), tập trung vào các vấn đề trọng tâm do Chính phủ xác định.

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được đăng Báo Nhân dân, Báo Đại biểu Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp.

3. Các hình thức lấy ý kiến Nhân dân:

a) Góp ý trực tiếp bằng văn bản;

b) Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm;

c) Thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp;

d) Các hình thức phù hợp khác.

4. Ý kiến của Nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài góp ý vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) được gửi đến cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 5 của Nghị quyết này hoặc gửi đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ: số 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc theo hộp thư điện tử: boluathinhsu@moj.gov.vn.

Điều 5. Trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến

1. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ, ngành, cơ quan mình gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp.

[...]