Nghị quyết 61/2005/NQ-HĐND về đề án tổng quan cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010 do tỉnh Bến Tre ban hành
Số hiệu | 61/2005/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 23/12/2005 |
Ngày có hiệu lực | 02/01/2006 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bến Tre |
Người ký | Huỳnh Văn Be |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/2005/NQ-HĐND |
Bến Tre, ngày 23 tháng 12 năm 2005 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐỀ ÁN TỔNG QUAN CẤP NƯỚC SINH HOẠT VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2006-2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 6
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với Đề án tổng quan cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường giai đoạn 2006-2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
I. Đánh giá tình hình thực hiện Đề án tổng quan cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường giai đoạn 2001-2005:
Trong 5 năm qua việc triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả rất khả quan. Các phương tiện cung cấp nước tăng lên rõ rệt như: nhà máy nước, trạm cấp nước, giếng đào, giếng cải tạo…từ đó đã đáp ứng khá tốt về nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn, làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc hơn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Người dân cũng đã thay đổi dần về thói quen sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nhằm cải tạo môi trường sống đem lại sức khoẻ cho mình và cho xã hội.
Việc triển khai thực hiện hố xí hợp vệ sinh cũng được nhân dân đánh giá cao, vì không những giải quyết môi trường cho các hộ dân nông thôn mà còn là mô hình mẫu để những hộ dân khác có thể tự đầu tư thực hiện trong thời gian tới.
Qua 5 năm, nhìn chung việc thực hiện đề án tổng quan cấp nước và vệ sinh môi trường đã đạt khoảng 70% tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh thấp hơn 10% so với mục tiêu và đạt 87,5% so với quy hoạch. Về vốn đầu tư đạt 33% so với kế hoạch.
Tuy nhiên bên đó vẫn còn một số tồn tại hạn chế ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch như: nguồn vốn đầu tư cho nước sạch và vệ sinh môi trường còn thấp, chưa đồng bộ, số hộ có hố xí hợp vệ sinh còn thấp; môi trường nhiều nơi còn ô nhiễm nặng do chưa xử lý tốt chất thải chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, từ rác sinh hoạt; công nhân quản lý vận hành các trạm cấp nước còn yếu kém; tỷ lệ dân đấu nối vào các nhà máy còn thấp; việc lựa chọn đối tượng để hỗ trợ đầu tư nhằm nhân rộng mô hình hố xí hợp vệ sinh chưa phù hợp.
II. Đề án tổng quan cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường giai đoạn II, từ năm 2006-2010:
Hội đồng nhân dân thống nhất với Đề án tổng quan cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường giai đoạn II, từ năm 2006-2010. Trong đó cần tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
1. Mục tiêu:
1.1 Mục tiêu chung:
- Làm cơ sở khoa học cho sự chỉ đạo về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
- Định hướng cho lập kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;
- Khai thác hợp lý các nguồn nước và môi trường, đồng thời bảo vệ nguồn nước sạch và môi trường một cách bền vững, nhằm giải quyết nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
1.2 Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
- 85% hộ dân nông thôn trong tỉnh Bến Tre có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
- 70% hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh.
2. Kế hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn 2006-2010:
Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận các chỉ tiêu và kinh phí xây dựng các nhà máy nước, cung cấp dụng cụ chứa nước và xây dựng hố xí vệ sinh trong 5 năm tới.
Uỷ ban nhân dân tỉnh cần có kế hoạch phân bổ ngân sách và chỉ đạo thực hiện cụ thể hàng năm. Cần lưu ý tới trình tự ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm, vấn đề đào tạo, tập huấn cán bộ và tuyên truyền vận động nhân dân.
3. Các giải pháp tổ chức thực hiện:
3.1 Nghiên cứu và áp dụng công nghệ phù hợp:
Cần đánh giá, hiệu chỉnh lại các cơ sở công nghệ đã áp dụng để từ đó có thể áp dụng cho các vùng, địa phương có điều kiện tương tự.