Nghị quyết 46/2017/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2017 do Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành
Số hiệu | 46/2017/NQ-HĐND |
Ngày ban hành | 15/07/2017 |
Ngày có hiệu lực | 25/07/2017 |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký | Lê Đình Sơn |
Lĩnh vực | Thương mại,Văn hóa - Xã hội |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/2017/NQ-HĐND |
Hà Tĩnh, ngày 15 tháng 7 năm 2017 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2017
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;
Xét Tờ trình số 229/TTr-UBND, ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí nội dung báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2017, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
Điều 1. Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm
1. Kết quả đạt được
Tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm tỉnh ta đã đạt kết quả trên một số lĩnh vực, kinh tế, xã hội. Công tác bồi thường thiệt hại cho nhân dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển cơ bản đảm bảo theo kế hoạch Trung ương giao; xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm; công nghiệp tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu vượt chỉ tiêu; tiếp tục thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Văn hóa - xã hội đạt kết quả khá toàn diện; an sinh xã hội được đảm bảo; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có bước chấn chỉnh, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo, cơ bản giữ vững ổn định tình hình.
2. Những hạn chế, tồn tại
Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp; hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn gặp khó khăn; xử lý tồn đọng về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư còn chậm; thu ngân sách đạt thấp. Sản xuất lúa vụ Xuân mất mùa trên diện rộng; chăn nuôi lợn thua lỗ, một số mô hình kinh tế sản xuất khó khăn. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm, nguồn lực hạn chế. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn yếu kém. Giải quyết các vụ việc tồn đọng còn chậm trễ, kéo dài. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn phức tạp. Ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ yếu vẫn do sự thiếu quyết liệt, thiếu kiên trì, sâu sát, thiếu thông suốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm người đứng đầu chưa cao, một số mặt, lĩnh vực còn buông lỏng quản lý...
Điều 2. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm
1. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế
a) Phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tốc độ tăng trưởng so với năm 2016. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp năm 2017, trọng tâm là khôi phục sản xuất, kiên trì chỉ đạo cơ cấu lại nông nghiệp, chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm sản xuất gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường. Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện quy hoạch, kế hoạch, đề án các mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ môi trường, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Hè Thu, vụ Đông vượt cả 3 chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng. Phát triển và nhân rộng các vùng nuôi tôm tập trung gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bờ biển; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh thủy sản. Tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng về giao đất, giao rừng; hoàn thành xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án khai thác tiềm năng, lợi thế rừng, đất lâm nghiệp. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp;
b) Bảo đảm tăng trưởng cao khu vực công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện, nhất là các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn và đang có tăng trưởng cao như điện, thép. Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng;
c) Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng cuối năm, cả vốn đầu tư của doanh nghiệp và vốn ngân sách. Tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Vũng Áng; sớm hoàn thiện công tác chuẩn bị khởi công dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2, dự án Ngàn Trươi Cẩm Trang giai đoạn 2; đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy chế biến gỗ HDF - MDF, dự án Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc của Công ty Dabaco, các dự án nhà ở xã hội. Đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân 100% các công trình, dự án đầu tư từ vốn ngân sách;
d) Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các ngành thương mại dịch vụ. Tập trung tuyên truyền quảng bá du lịch, chuyển đổi mô hình và nâng cao hiệu quả hoạt động các chợ, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cuối năm. Tăng cường quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm;
đ) Hoàn thành bồi thường thiệt hại sau sự cố môi trường biển. Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các chính sách khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng theo Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ;
e) Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 đảm bảo khoa học, thực tiễn, gắn với thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2015-2020.
2. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, kiên trì và quyết tâm trong xây dựng nông thôn mới.
a) Rà soát, sửa đổi một số nội dung trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xây dựng khung kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí của các xã thực hiện Chương trình nông thôn mới đến năm 2020;
b) Thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư các dự án, công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và nông thôn mới đến năm 2020. Xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương, cân đối nguồn lực bảo đảm đủ đối ứng cho Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực;
c) Xây dựng, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm. Chỉ đạo kiểm tra, phúc tra các xã đạt chuẩn giai đoạn 2013 - 2015. Phát triển nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, khu dân cư mẫu, vườn mẫu vì mục đích thiết thực nâng cao đời sống nhân dân;
d) Triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và huy động các nguồn lực đầu tư
a) Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh; đẩy nhanh tiến độ Trung tâm Hành chính công thí điểm cấp huyện; sắp xếp kiện toàn các Ban quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ; thực hiện nghiêm túc quy định về xây dựng văn hóa công sở;