Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi)

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 20/05/2024
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:        /2024/QH15

Hà Nội, ngày      tháng     năm 2024

DỰ THẢO

 

 

LUẬT

CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Công chứng (sửa đổi).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản (sau đây gọi là giao dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

2. Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng và thực hiện một số việc chứng thực theo quy định.

3. Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức trong nước hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng giao dịch theo quy định của Luật này.

4. Văn bản công chứng là giao dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật này.

5. Hành nghề công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

6. Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

Điều 3. Chức năng xã hội của công chứng viên

Công chứng viên cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 4. Nguyên tắc hành nghề công chứng

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

2. Khách quan, trung thực.

3. Tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện.

Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản.

2. Văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, là cơ sở để các bên tham gia giao dịch đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch đã được công chứng. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia giao dịchthỏa thuận khác.

3. Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

Điều 6. Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng

[...]