Kết luận 66-KL/TW năm 2019 về tổng kết việc thực hiện Quyết định 185-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 66-KL/TW
Ngày ban hành 08/11/2019
Ngày có hiệu lực 08/11/2019
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trần Quốc Vượng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 66-KL/TW

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2019

 

KẾT LUẬN CỦA BAN BÍ THƯ

VỀ TỔNG KẾT VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 185-QĐ/TW CỦA BAN BÍ THƯ VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM BỒI DƯỠNG CHÍNH TRỊ HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Vừa qua, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW, ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện) và ý kiến các cơ quan liên quan, Ban Bí thư kết luận như sau:

1. Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW, hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có nhiều chuyển biến tích cực, cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn cán bộ, giảng viên; thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của trung tâm trong việc nâng cao trình độ, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, hoạt động của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự đầy đủ, đúng tầm; cá biệt có cấp ủy chỉ coi trung tâm là đơn vị tổ chức bồi dưỡng kiến thức đơn thuần. Do tổ chức của trung tâm trực thuộc 2 đầu mối khác nhau, dẫn đến chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu thống nhất trong tổ chức và hoạt động. Một số chương trình giảng dạy còn trùng lắp nội dung; nguồn lực, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ hiện nay. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên, học viên của trung tâm còn bất cập. Cơ sở vật chất của một số trung tâm xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư xây dựng.

2. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

2.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện đối với tổ chức và hoạt động của trung tâm, nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của trung tâm trong bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đổi tên "trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện" thành "trung tâm chính trị cấp huyện".

2.2. Kiện toàn tổ chức và hoạt động của trung tâm chính trị cấp huyện, bảo đảm sự thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, đồng bộ về cơ cấu tổ chức bộ máy; có chế độ, chính sách đãi ngộ tốt để thu hút cán bộ, giảng viên giỏi.

2.3. Đổi mới cơ chế hoạt động của trung tâm, tăng cường sự gắn kết với ban tuyên giáo, trường chính trị tỉnh, bảo đảm thực hiện thống nhất, kịp thời và liên thông nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên ở cơ sở nói riêng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa trung tâm với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

2.4. Chuẩn hóa trung tâm chính trị cấp huyện, trước hết là chuẩn hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên; thực hiện tốt công tác quy hoạch, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên chuyên trách; tăng cường sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm. Thực hiện tốt chế độ, chính sách, phong danh hiệu nhà nước đối với cán bộ, giảng viên của trung tâm chính trị cấp huyện. Cụ thể hóa các tiêu chuẩn xem xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong từng chức danh cụ thể.

2.5. Rà soát, đánh giá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác tại trung tâm, kịp thời bổ sung kiến thức mới. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng của trung tâm theo hướng gắn với thực tiễn, thực hành, giải đáp những vấn đề đặt ra ở cơ sở, nhất là cách xử lý tình huống phù hợp với từng đối tượng, thiết thực; chú trọng đối thoại, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Chú trọng giáo dục, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

2.6. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; bảo đảm kinh phí theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng; phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn.

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, ban hành hướng dẫn về tổ chức bộ máy và biên chế của trung tâm; phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo trung tâm, quy định về tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn giảng viên, về chế độ, chính sách liên quan; hướng dẫn thống nhất mẫu và quy định tiêu chuẩn giá trị văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của trung tâm.

3.2. Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo nội dung đào tạo về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống trung tâm chính trị cấp huyện. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương về nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng của trung tâm; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng khung chương trình sơ cấp lý luận chính trị giảng dạy tại trung tâm chính trị cấp huyện, bảo đảm tính liên thông, kế thừa, tránh trùng lắp giữa các chương trình đào tạo lý luận chính trị.

3.3. Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn về kinh phí và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trung tâm.

3.4. Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước có liên quan trong việc công nhận, phong tặng danh hiệu nhà nước đối với giảng viên chuyên trách của trung tâm.

3.5. Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với các trường chính trị tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về hướng dẫn chuyên môn đối với trung tâm.

3.6. Cấp ủy cấp huyện trực tiếp lãnh đạo thực hiện về nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; về tổ chức bộ máy và biên chế; về chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên, học viên; về thực hiện quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng và việc đầu tư cơ sở vật chất, cấp kinh phí hoạt động cho trung tâm.

3.7. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện.

 


Nơi nhận:

- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Trần Quốc Vượng