Kết luận 43-KL/TW về 3 năm thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và 5 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 43-KL/TW
Ngày ban hành 01/04/2009
Ngày có hiệu lực 01/04/2009
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trương Tấn Sang
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 43-KL/TW

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2009

 

KẾT LUẬN

VỀ 3 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 46-NQ/TW, NGÀY 23-02-2005 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) VỀ “CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI” VÀ 5 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 06-CT/TW, NGÀY 22–01–2002 CỦA BAN BÍ THƯ (KHÓA IX) VỀ “CỦNG CỐ VÀ HOÀN THIỆN MẠNG LƯỚI Y TẾ CƠ SỞ”

Tại phiên họp ngày 06 – 3 – 2009, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Y tế báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23 – 02 – 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” (sau đây gọi là Nghị quyết số 46-NQ/TW) và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22 – 01 – 2002 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” (sau đây gọi là Chỉ thị số 06-CT/TW), Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Y tế về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, đồng thời lưu ý và nhấn mạnh một số điểm sau:

- Việc học tập Nghị quyết số 46-NQ/TW và Chỉ thị số 06-CT/TW được các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương triển khai nghiêm túc, nên đã tạo ra bước chuyển biến mới trong nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, do đó, đã đạt được nhiều kết quả khả quan, một số kết quả đạt được tốt so với mục tiêu đề ra. Nhiều dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi. Hệ thống y tế ngày càng được củng cố; hành lang pháp luật ngày càng được hoàn thiện; công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Quy mô và năng lực cung ứng dịch vụ của hệ thống y tế được nâng cao. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ kịp thời với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngày càng dễ dàng hơn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho y tế ngày càng tăng và mức tăng hàng năm cao hơn mức tăng chung của tổng chi ngân sách. Bước đầu thực hiện đổi mới cơ cấu và cơ chế phân bổ ngân sách y tế.

- Tuy nhiên, trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW và Chỉ thị số 06-CT/TW vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém; những bất cập, yếu kém nêu trong Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị chậm được khắc phục, có mặt còn trầm trọng hơn: Một là, việc triển khai tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết đối với các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và một số tỉnh ủy, thành ủy còn chậm và chưa quyết liệt; việc thể chế hóa thành các chính sách, đề án, dự án cụ thể diễn ra muộn và tiến độ thực hiện chậm. Hai là, Nhận thức về các quan điểm và một số giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 46-NQ/TW chưa đầy đủ và sâu sắc. Đặc biệt, quan điểm thứ năm của Nghị quyết số 46-NQ/TW “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt” chưa được triển khai thành một nhóm chính sách tổng thể mang tính hệ thống. Ba là, mô hình tổ chức hệ thống y tế còn chưa phù hợp và không ổn định, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng. Bốn là, chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế. Đội ngũ cán bộ y tế hiện nay đang rất thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu và phân bổ chưa hợp lý giữa các lĩnh vực, các vùng, miền; biểu hiện xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngành y tế vẫn chưa được ngăn chặn và khắc phục triệt để. Năm là, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ăn toàn thực phẩm còn yếu; quản lý cơ sở y tế ngoài công lập, quản lý thuốc chưa thật chặt chẽ. Tổng đầu tư cho y tế còn thấp so với nhu cầu đặt ra trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (chỉ chiếm bình quân/năm là 2,4% so với GDP); diện bao phủ bảo hiểm y tế vẫn còn ở mức thấp, khả năng cân bằng quỹ bảo hiểm y tế yếu; tỉ trọng ngân sách y tế từ nguồn người dân chi trả trực tiếp khi sử dụng các dịch vụ y tế so với tổng ngân sách chi tiêu y tế vẫn ở mức cao (trên 60%). Sáu là, xã hội hóa y tế chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bảy là, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi sức khỏe đã có đổi mới bước đầu, song chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Có những nguyên nhân chủ quan và khách quan của các khuyết điểm, yếu kém trên, song nguyên nhân cơ bản là do một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức một cách đầy đủ 5 quan điểm của Đảng về công tác chăm sóc sức khỏe, chưa hiểu biết một cách đầy đủ những đặc điểm về quản lý y tế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền và một bộ phận nhân dân còn trông chờ và ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước. Ngành y tế chậm đổi mới cải cách hành chính, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy để nâng cao hiệu quả của nguồn lực.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 46-NQ/TW và Chỉ thị số 06-CT/TW, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và toàn xã hội tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ và tích cực hơn nữa 5 quan điểm của Đảng về công tác y tế, các mục tiêu và 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra trong Nghị quyết số 46-NQ/TW. Trước mắt, cần tập trung vào một số điểm sau:

- Tổ chức sắp xếp hệ thống y tế công, đặc biệt là y tế cơ sở, tạo ra mô hình hợp lý và ổn định dựa trên quản lý theo ngành đối với y tế địa phương (từ tuyến tỉnh trở xuống). Ngoài ra, trước mắt cần cho phép vận dụng làm thí điểm mô hình y tế cơ sở theo Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25-4-2008 của liên Bộ Nội vụ và Y tế. Sau đó tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có kiến nghị, điều chỉnh cho phù hợp. Đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý về tài chính, nhân lực của các cơ sở y tế công, từng bước áp dụng các công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích phát triển và mở rộng các cơ sở y tế tư nhân.

- Tích cực chỉ đạo và thực hiện nghiêm các chính sách đối với người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội; vận động và hỗ trợ người cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế; quân tâm đến sức khỏe người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp; y tế trường học.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về y tế; cải cách mạnh mẽ thủ tục khám bệnh, chữa bệnh nhằm giảm phiền hà cho nhân dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với bảo hiểm y tế; tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giá thuốc, quản lý hành nghề y dược tư nhân; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao y đức và trách nhiệm của cán bộ y tế, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về y tế.

- Cơ cấu lại nguồn tài chính cho y tế để tiến đến nguồn tài chính công (ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế) chiếm một tỷ trọng cao (ít nhất là trên 50%) trong tổng ngân sách chi tiêu y tế từ tất cả các nguồn; ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, đầu tư cải tạo, nâng cấp các cơ sở y tế , đặc biệt là các vùng khó khăn; tiếp tục chuyển việc đầu tư trực tiếp ngân sách nhà nước cho các cơ sở dịch vụ công sang đầu tư trực tiếp cho người hưởng dịch vụ bằng cách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật và rủi ro về sức khỏe, hỗ trợ việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, từng bước tiến đến bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; đổi mới chính sách viện phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí phục vụ người bệnh. Ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác y tế, đồng thời không ngừng đổi mới cơ chế tiền lương cho cán bộ y tế theo hướng được hưởng như giáo viên.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, chính sách pháp luật, các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tăng cường sự chỉ đạo của ban tuyên giáo các cấp trong việc phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

- Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, cùng Ban cán sự đảng Bộ Y tế, Ban cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, trình Ban bí thư ban hành trong quý II – 2009.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Tấn Sang

 

6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ