Kế hoạch 563/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020
Số hiệu | 563/KH-UBND |
Ngày ban hành | 22/02/2017 |
Ngày có hiệu lực | 22/02/2017 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Thuận |
Người ký | Nguyễn Ngọc Hai |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 563/KH-UBND |
Bình Thuận, ngày 22 tháng 02 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
Căn cứ Quyết định số 1570/QĐ-UBND ngày 06/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án); Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đến năm 2020 như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Xây dựng môi trường du lịch Bình Thuận an ninh, an toàn, lành mạnh, văn minh là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng và thể thao biển hấp dẫn của quốc gia và quốc tế.
2. Phát huy vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương và sức mạnh của quần chúng nhân dân, các đơn vị kinh doanh du lịch cùng tham gia.
3. Xây dựng cơ chế quản lý nhà nước phù hợp, chặt chẽ, linh hoạt và đảm bảo lực lượng, phương tiện đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; hình thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phấn đấu đến năm 2020, hạn chế thấp nhất các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật; giảm 90% các yếu tố phức tạp ảnh hưởng đến môi trường an ninh, an toàn du lịch.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo an ninh, an toàn du lịch
- Hình thức tuyên truyền, phổ biến phải đa dạng, phong phú, tiết kiệm, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng; áp dụng biện pháp tuyên truyền rộng rãi, tập trung, thành nhóm hay cá biệt tùy theo tình hình thực tiễn để vận dụng và bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như: phổ biến trực tiếp, trực tuyến, ấn phẩm tuyên truyền, sách báo, tài liệu, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình Bình Thuận.
- Sử dụng các hình thức, biện pháp tuyên truyền đang phát huy hiệu quả với sự đổi mới trong cách thức thực hiện đảm bảo tính khả thi và phù hợp cho tất cả các đối tượng được tuyên truyền. Đối tượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cần được xác định cụ thể phù hợp với nội dung đặt ra.
- Tuyên truyền, phổ biến các nội dung, vấn đề thiết thực liên quan đến hoạt động du lịch tại Bình Thuận cũng như công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan về du lịch, xuất nhập cảnh, đầu tư, bảo vệ môi trường,… để người dân, du khách, các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch tiếp cận thông tin ở địa phương, hiểu biết pháp luật, tham gia xây dựng môi trường du lịch của tỉnh lành mạnh, an ninh, an toàn, văn minh.
- Tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin liên quan đến việc tuân thủ nghiêm túc pháp luật và các quy định về an ninh trật tự, các nguy cơ đe dọa đến an toàn trong du lịch như tai nạn giao thông, đuối nước, cháy nổ, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo,... Tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và an toàn về an ninh trật tự tại các cơ quan, doanh nghiệp du lịch.
- Xây dựng và phổ biến các chương trình giáo dục về phòng ngừa đấu tranh tội phạm, xóa bỏ tệ nạn xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, thái độ cởi mở, thân thiện đối với du khách.
- Thông tin chính xác cho du khách về tình hình an ninh, an toàn tại các điểm du lịch và hướng xử lý khi tình huống mất an ninh, an toàn xảy ra. Công khai các cơ sở kinh doanh du lịch đạt chuẩn và các cơ sở vi phạm quy định về chất lượng phục vụ, an toàn về an ninh trật tự trên trang web du lịch Bình Thuận. Khuyến khích du khách đến các cơ sở đạt chuẩn và khuyến khích cơ sở vi phạm có cách thức cải thiện tình hình an ninh, an toàn.
2. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch
- Rà soát các văn bản quản lý nhà nước về an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch; bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mới các quy định, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn và quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo thông thoáng về chính sách, chặt chẽ về an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết nhu cầu cần thiết của người dân, du khách nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ và tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh cho các sự kiện, lễ hội truyền thống, phi truyền thống mang tầm quốc gia và quốc tế như các hoạt động kỷ niệm ngày du lịch Bình Thuận, cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2017,...
- Tăng cường nhân lực trong các đơn vị chức năng thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa bàn du lịch, sân bay, cảng biển, trọng điểm là thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong,... Lắp đặt các biển báo nguy hiểm, biển cảnh báo, biển hướng dẫn có thể bằng nhiều thứ tiếng (Việt, Anh, Nga, Hoa). Xây dựng các điểm cung cấp thông tin, hướng dẫn, đường dây nóng hỗ trợ cho du khách. Kẽ vạch sơn qua đường cho người đi bộ nơi có nhiều resort, khách sạn, nhất là khu vực Hàm Tiến, Tiến Thành.
- Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch với khai thác khoáng sản, giữa phát triển du lịch - thể thao biển với khai thác, chế biến hải sản. Tạo môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư du lịch, làm tốt công tác thẩm định quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án. Quản lý và sử dụng có hiệu quả đất dự án, giải quyết đền bù, giải tỏa và tái định cư cho người dân có đất trong dự án đúng pháp luật, bảo đảm các yêu cầu về lợi ích an ninh quốc gia và các điều kiện bảo đảm an ninh trật tự.
- Thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh, lưu trú, phòng cháy, chữa cháy, trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh có điều kiện; thanh tra, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức, cơ sở kinh doanh du lịch không chấp hành đúng quy định pháp luật.
- Xử lý triệt để các tệ nạn, các hiện tượng tiêu cực phát sinh trên địa bàn, tuyến, điểm trọng điểm về du lịch như tranh giành khách, cò mồi, ép giá, bán hàng rong, ăn xin chèo kéo, đeo bám du khách, phóng uế, xả thải bừa bãi… hướng đến mục tiêu giảm 90% các yếu tố phức tạp ảnh hướng đến môi trường an ninh, an toàn du lịch.
3. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực du lịch
- Các sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các địa bàn, tuyến, điểm du lịch phải có kế hoạch cụ thể, triển khai đồng bộ các mặt công tác tự quản, tự phòng, chủ động ngăn chặn mọi hoạt động của bọn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng phương án tuần tra, chốt trực, chuẩn bị ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra đối với du khách trong các đợt cao điểm; ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của du khách.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động du lịch với lực lượng Công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên các địa bàn, tuyến, điểm du lịch; tích cực tham gia cùng lực lượng Công an đấu tranh phòng, chống tội phạm; thông tin trao đổi kịp thời cho cơ quan Công an những tình hình có liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
- Thực hiện hiệu quả Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa lực lượng Công an, Quân sự và Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tổ chức các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia thông qua con đường du lịch, kinh tế du lịch. Chủ động tấn công, trấn áp các loại tội phạm hình sự, triệt phá các băng, nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen, ngăn chặn tình trạng cướp giật ở các tuyến, điểm du lịch; xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, mại dâm.
4. Nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ làm công tác đảm bảo an ninh, an toàn du lịch
- Đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngành du lịch có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, khả năng giao tiếp ứng xử với du khách đồng thời có ý thức chính trị đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.