Kế hoạch 3650/KH-UBND năm 2018 về triển khai Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020” do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 3650/KH-UBND
Ngày ban hành 17/08/2018
Ngày có hiệu lực 17/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hà Kế San
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3650/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẾN NĂM 2020”

Căn cứ Quyết định số 1235/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu.

1.1 Mục tiêu chung

- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhân dân và các cơ sở giáo dục và đào tạo tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.

- Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và năng lực hành động; giữ vững kỷ cương pháp luật, tôn trọng pháp luật của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng, chống tội phạm.

- Chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh hành vi phạm tội trong HSSV; bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- 100% trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên trong trường về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.

- 100% trường học tổ chức giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sng và văn hóa ứng xử cho các thành viên trong trường học.

- Giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.

2. Yêu cầu.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và văn hóa ứng xử nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, các cấp, các ngành, các thành viên trong trường về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.

a. Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội khác và hình thức xử lý khi vi phạm.

- Trách nhiệm của các ngành, các cấp, thành viên trong trường học, gia đình học sinh và cộng đồng trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, tố giác tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

- Tuyên truyền kỹ năng phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với học sinh, sinh viên; Tuyên truyền các loại hình tội phạm mới để các thành viên trong trường, gia đình học sinh khai thác, phòng ngừa trên các trang Website, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác.

b. Hình thức tuyên truyền

- Xây dựng chương trình tuyên truyền thành các chủ đề, chủ điểm hàng tháng theo năm học: giáo dục an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác,….

- Hình thức tổ chức tuyên truyền: mít tinh, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hóa, vẽ tranh, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm, câu lạc bộ,…. về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên.

- Tiếp nhận tài liệu truyền thông dành cho thành viên trong trường và gia đình học sinh về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên; Tăng cường xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền về các gương người tốt, việc tốt, các mô hình, điển hình về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đăng tải trên Website, cổng thông tin điện tử của các trường học, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

2. Tích hợp giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục đối với học sinh, sinh viên.

- Tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình giáo dục các môn học phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo và qua các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa dành cho học sinh, sinh viên.

- Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm, phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

[...]