Kế hoạch 25/HĐTĐTK-VI tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành

Số hiệu 25/HĐTĐTK-VI
Ngày ban hành 17/04/2009
Ngày có hiệu lực 17/04/2009
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Người ký Nguyễn Thị Doan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRUNG ƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/HĐTĐTK-VI

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2009

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THI ĐUA VÀ HỘI NGHỊ ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước.

 

Thực hiện Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21.5.2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Tiếp theo các kỳ Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VI, VII; Hội đồng TĐKT Trung ương xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Đánh giá đúng kết quả và tác dụng của phong trào thi đua yêu nước kể từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII đến nay, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong những năm tới.

2. Biểu dương thành quả chung của phong trào thi đua yêu nước, các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân, dân tộc…. qua đó khơi dậy, cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo động lực mới cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng cấp, từng địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng và kế hoạch 5 năm tiếp theo.

3. Thông qua Đại hội khẳng định các bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, kinh nghiệm về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị và thực hiện tốt Luật Thi đua, Khen thưởng.

4. Tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến đảm bảo trang trọng, thiết thực, thực hành tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Những nội dung cần tập trung chỉ đạo từ nay đến Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

a. Phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân theo tinh thần 5 nội dung phát động thi đua của Thủ tướng Chính phủ tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch, biện pháp thi đua cụ thể, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững, lập thành tích thiết thực hướng tới kỷ niệm 80 ngăm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 65 năm ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày kỷ niệm khác trong năm 2009-2010.

b. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền cho Đại hội thi đua, biểu dương ghi nhận những thành quả của phong trào thi đua yêu nước trên tất cả những lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Các cơ quan truyền thông mở rộng nhiều hình thức tuyên truyền biểu dương người tốt, việc tốt, các điển hình nhân tố mới, tạo nên không khí sôi động, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong hai năm 2009 và năm 2010, chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

c. Tiếp tục quán triệt, học tập Luật Thi đua, Khen thưởng; nâng cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm chấp hành các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng. Quá trình thực hiện cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, tạo hành lang pháp lý để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thực hiện nhiệm vụ chính trị và ngày càng đi vào cuộc sống của nhân dân.

d. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm đã được tổng kết, cần tiến hành việc phổ biến, giới thiệu học tập, nhân rộng các điển hình tiên tiến theo tinh thần Chỉ thị số 39/CT.TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị. Bên cạnh việc chăm lo, bồi dưỡng các điển hình đã có, cần chú trọng việc phát hiện các điển hình và nhân tố mới thực sự nổi trội trong các phong trào thi đua yêu nước, được quần chúng, tập thể suy tôn để có kế hoạch bồi dưỡng và đề nghị các hình thức khen thưởng phù hợp, xứng đáng.

2. Hình thức, thời gian tổ chức Đại hội thi đua hoặc Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp.

a. Đối với các Sở, ban, ngành, đoàn thể: cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: cấp cơ sở, công ty, tổng công ty thuộc tỉnh, Bộ, ngành:

- Hình thức tổ chức: Mở “Hội nghị điển hình tiên tiến” hoặc “Hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt”, “Hội nghị biểu dương những người lao động giỏi, lao động sáng tạo”…

- Thành phần: Các điển hình tiên tiến và đại diện các tập thể tiên tiến.

- Thời gian tổ chức: 1/2 ngày.

b. Đối với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập:

- Hình thức tổ chức: Đại hội Thi đua (hoặc Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến).

- Thành phần và số lượng đại biểu: do Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, đề xuất với lãnh đạo chính quyền thống nhất để ấn định số lượng đại biểu cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương mình bao gồm các Anh hùng, đại diện các tập thể Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, đảm bảo tính cân đối hợp lý về số lượng, cơ cấu đại diện cho các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, đại biểu là nữ, đại biểu trẻ tuổi….

- Thời gian tổ chức: 01 ngày.

c. Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII: (Có kế hoạch cụ thể riêng)

3. Nội dung Đại hội.

[...]