Kế hoạch 12082/KH-BCĐ389 năm 2017 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 do Ban Chỉ đạo 389 ban hành
Số hiệu | 12082/KH-BCĐ389 |
Ngày ban hành | 22/12/2017 |
Ngày có hiệu lực | 22/12/2017 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Ban Chỉ đạo 389 |
Người ký | Đỗ Thắng Hải |
Lĩnh vực | Thương mại |
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12082/KH-BCĐ389 |
Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2017 |
CAO ĐIỂM ĐẤU TRANH CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TUẤT 2018
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1237/KH-BCĐ389 ngày 11 tháng 12 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch triển khai như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Trọng tâm kiểm soát chặt các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã, đồ nội thất, gia dụng, các mặt hàng giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính; hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
c) Nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động tổ chức lực lượng, triển khai các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
2. Yêu cầu
a) Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, Sở Công Thương, chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm; tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện nhiệm vụ.
b) Triển khai có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tổ chức thực hiện Kế hoạch số 1237/KH-BCĐ389 ngày 11 tháng 12 năm 2017 tháng 12 năm 2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; tiếp tục triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Quyết định số 1059/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2017 của Bộ Công Thương phê duyệt Đề án Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm đến năm 2020; Chỉ thị số 14/CT-BCT ngày 07 tháng 11 năm 2017 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 22 tháng 9 năm 2017 về việc tăng cường triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống...
2. Tổ chức kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
a) Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ xác định rõ các trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, như tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng, phương thức thủ đoạn; tập trung vào các tuyến biên giới đường bộ, cảng biển, cảng hàng không nội địa, chợ đầu mối, bến xe, ga đường sắt; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các mặt hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã, đồ nội thất, gia dụng, các mặt hàng giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính; hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm và các mặt hàng khác tùy từng thời điểm để có kế hoạch, biện pháp đấu tranh cụ thể, hiệu quả.
b) Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; đặc biệt là kiểm tra hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng...
Về mặt hàng: kiểm tra, xử lý việc buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm như vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã; các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, xăng dầu, đồ nội thất, gia dụng, các mặt hàng giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính; hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về địa bàn: tập trung vào khu vực biên giới phía Bắc: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang; biên giới miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; biên giới Tây Nam: An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang.
Trong thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn như Thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; Bà Rịa - Vũng Tàu; các thị xã, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm. Đặc biệt tại các Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các điểm tập kết hàng hóa, kho tàng, bến bãi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; kiên quyết xử lý tình trạng bày bán hàng giả, thuốc lá ngoại, pháo nổ, thực phẩm kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
c) Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường;
- Chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường, xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, kiên quyết không cho phép có vùng “cấm” trong công tác này.
3. Phối hợp lực lượng kiểm tra, kiểm soát
a) Cục Quản lý thị trường phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường cả nước:
- Phối hợp với các lực lượng chức năng Công an, Hải quan, Biên phòng triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội, từ các tỉnh biên giới Tây Nam về Thành phố Hồ Chí Minh để phân phối, tiêu thụ.
- Phối hợp với lực lượng Công an xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương nhằm kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả việc vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả; hàng vi phạm an toàn thực phẩm; xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm, kể cả việc áp dụng các biện pháp mạnh như tước giấy phép kinh doanh, chuyển cơ quan Công an truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tài chính tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.