Kế hoạch 05/KH-UBDTSĐHP tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ban hành

Số hiệu 05/KH-UBDTSĐHP
Ngày ban hành 23/08/2011
Ngày có hiệu lực 23/08/2011
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/KH-UBDTSĐHP

Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT VIỆC THI HÀNH HIẾN PHÁP NĂM 1992

Ngày 6/8/2011, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Để triển khai nhiệm vụ do Quốc hội giao, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ban hành Kế hoạch tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 với các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TỔNG KẾT

1. Mục đích

1.1. Tổng kết sâu sắc, toàn diện cả lý luận và thực tiễn nội dung Hiến pháp, việc thi hành Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở đánh giá khách quan, đúng đắn về vai trò, sứ mệnh của Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản của Nhà nước, văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ; quá trình cụ thể hóa các quan điểm, nội dung của Hiến pháp năm 1992 gắn với những thành tựu đạt được sau hơn 25 năm đổi mới đất nước; những mặt được, hạn chế và nguyên nhân.

1.2. Xác định những tư tưởng, nội dung của Hiến pháp tiếp tục kế thừa, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp để đáp ứng những thay đổi của đất nước phù hợp với tình hình mới.

1.3. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề cần thiết trong Hiến pháp nhằm thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng.

2. Yêu cầu

2.1. Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 phải bám sát nội dung các quy định của Hiến pháp năm 1992; những mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và Nghị quyết số 06/2011/QH13 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

2.2. Quá trình tổng kết phải làm rõ những thành công, hạn chế so với mục tiêu, yêu cầu của Hiến pháp, yêu cầu ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; phân tích nguyên nhân của những thành công và hạn chế trong việc thi hành Hiến pháp ở từng lĩnh vực để rút ra những bài học kinh nghiệm.

2.3. Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và các định hướng chiến lược được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng để xác định các vấn đề chiến lược cần giải quyết; bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có giá trị chính trị - pháp lý cao và ổn định lâu dài; làm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2.4. Đánh giá kỹ thuật trình bày Hiến pháp; tính chuẩn mực của ngôn ngữ; tính khái quát và chi tiết ở mức độ hợp lý; tính đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ về kết cấu bố cục, về cách thức thể hiện; những thuận lợi, khó khăn trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua có nguyên nhân từ kỹ thuật trình bày Hiến pháp.

II. PHƯƠNG PHÁP VÀ NỘI DUNG TỔNG KẾT

1. Phương pháp tổng kết

1.1. Đánh giá về giá trị chính trị - pháp lý của Hiến pháp, được thể hiện qua việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối chiến lược đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.

1.2. Đánh giá những kết quả đạt được trong việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 1992 bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

1.3. Đánh giá những kết quả đạt được trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp: những kết quả của việc tổ chức thực thi các quy định của Hiến pháp trong thực tiễn so với mục đích, yêu cầu của Hiến pháp và yêu cầu đổi mới toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước trong thời gian qua.

1.4. Từ việc đánh giá quá trình thi hành Hiến pháp, chỉ ra được nguyên nhân của những thành công và hạn chế; những bài học kinh nghiệm; những giá trị nội dung về chính trị - pháp lý trong các quy định của Hiến pháp năm 1992 cần tiếp tục kế thừa và phát triển.

2. Nội dung tổng kết

Các cơ quan, tổ chức tiến hành tổng kết việc thi hành các quy định của Hiến pháp năm 1992 theo từng Nghị định cụ thể sau đây:

- Lời nói đầu;

- Chế độ chính trị;

- Chế độ kinh tế;

- Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ;

- Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

- Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

- Tổ chức bộ máy nhà nước (bao gồm các cơ quan: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân);

[...]