Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Hướng dẫn 7386/HD-SXD-CPXD về thủ tục cấp giấy phép xây dựng, chuẩn bị và thực hiện xây dựng sau khi có giấy phép đối với công trình thuộc cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 7386/HD-SXD-CPXD
Ngày ban hành 30/09/2011
Ngày có hiệu lực 30/09/2011
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Quách Hồng Tuyến
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 7386/HD-SXD-CPXD

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2011

 

HƯỚNG DẪN

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG, CHUẨN BỊ VÀ THỰC HIỆN XÂY DỰNG SAU KHI CÓ GIẤY PHÉP ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THUỘC CƠ SỞ TÔN GIÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nhằm nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc tự giác chấp hành các quy định về việc xin phép xây dựng, tuân thủ các quy định về an toàn chất lượng công trình xây dựng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt, an toàn cho người và các tài sản liên quan trong quá trình chuẩn bị và thi công xây dựng các công trình thuộc cơ sở tôn giáo; đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của chủ đầu tư, các bên xây dựng công trình và cộng đồng dân cư xung quanh trong quá trình xây dựng.

Sở Xây dựng hướng dẫn những nội dung cơ bản về thủ tục, quy trình cấp giấy phép xây dựng; chuẩn vị và thực hiện thi công xây dựng, quản lý chất lượng quá trình thi công xây dựng các công trình tôn giáo sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Đối tượng của hướng dẫn này là các chủ đầu tư khi xây dựng, sửa chữa, cải tạo, di dời các công trình thuộc cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Nếu công trình đã được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp thành phố hoặc cấp quốc gia, hồ sơ xin phép sửa chữa, trùng tu, xây dựng không theo các quy định tại hướng dẫn này. Chủ đầu tư phải liên hệ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được hướng dẫn lập hồ sơ.

- Trường hợp công trình chỉ sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình, chủ đầu tư không cần xin phép xây dựng; trước khi khởi công sửa chữa chủ đầu tư phải đăng ký tại UBND phường, xã nơi tọa lạc công trình để được hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi thi công.

2. Thủ tục cấp giấy phép xây dựng:

Ngày 14 tháng 9 năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND về cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình tôn giáo được quy định:

2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng: gồm 04 loại:

- Đơn xin cấp giấy phép xây dựng (01 bản chính - theo mẫu);

- Giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (01 bộ bản sao có chứng thực). Trường hợp bản sao không có chứng thực thì cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu với bản chính, ký xác nhận vào bản sao và chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Trường hợp chưa có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), chủ đầu tư phải liên hệ Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi tọa lạc khu đất để được thẩm tra về ranh nhà, đất sử dụng không có tranh chấp, khiếu nại (nếu có tranh chấp, khiếu nại phải được cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo) và được Ủy ban nhân dân quận - huyện xác nhận kết quả thẩm tra theo đúng quy định tại Khoản 3 - Điều 3 - Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ- UBND ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố;

- Văn bản chấp thuận của Ban Tôn giáo - Dân tộc (Sở Nội vụ) theo Quy định tại Điều 29 - Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và quy định tại Điểm b - Khoản 2 - Điều 5 - Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 68/2010/QĐ- UBND ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố;

- Bản vẽ xin phép xây dựng theo quy định (02 bộ bản chính), gồm:

+ Tổng mặt bằng công trình trên lô đất, tỷ lệ 1/200 ÷ 1/500; kèm theo họa đồ vị trí công trình có thể hiện số lô, ranh thửa đất và ranh lộ giới;

+ Mặt bằng các tầng, mặt đứng, mặt cắt công trình, tỷ lệ 1/100 ÷ 1/200;

+ Mặt bằng, mặt cắt móng (không thể hiện chi tiết cốt thép và kích thước móng), sơ đồ hệ thống và điểm đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, tỷ lệ 1/100 ÷ 1/200.

2.2. Một số điểm cần lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin phép xây dựng:

a) Trường hợp xây dựng nâng tầng (cơi nới có ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình): phải có hồ sơ khảo sát hiện trạng xác định công trình đủ điều kiện nâng tầng hoặc biện pháp gia cố của tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân.

b) Bản vẽ xin phép xây dựng phải do tổ chức tư vấn thiết kế có pháp nhân lập, theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Nhà nước.

Tổng mặt bằng công trình phải thể hiện được ranh đất, ranh lộ giới; khoảng cách công trình xin phép xây dựng đến ranh đất, ranh lộ giới và các công trình khác trong khuôn viên đất; thể hiện rõ hành lang an toàn điện cao áp, hành lang bảo vệ sông rạch; ghi rõ kích thước công trình hiện hữu.

c) Trường hợp công trình nằm dưới đường điện cao áp, hồ sơ xin phép xây dựng phải có Biên bản thỏa thuận về việc cải tạo hoặc xây dựng mới trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp của đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp khu vực. Hồ sơ thiết kế cần lưu ý:

Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của công trình đến dây dẫn gần nhất khi dây ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách quy định trong bảng sau:

Điện áp

Đến 35 KV

66 đến 110 KV

220 KV

Khoảng cách

3,0 m

4,0 m

6,0 m

d) Xây dựng tường rào:

Các công trình tôn giáo thường có diện tích khuôn viên lớn, phải xây tường rào bao quanh. Khi thiết kế và xây dựng tường rào, phải lưu ý các quy định sau:

- Chỉ xây dựng tường rào trong ranh đất có chủ quyền hoặc đã được xác nhận không tranh chấp, không vi phạm lộ giới.

[...]