Hướng dẫn 4772/HD-STC năm 2013 về lập dự toán, quản lý cấp phát, thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg do Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh ban hành
Số hiệu | 4772/HD-STC |
Ngày ban hành | 12/11/2013 |
Ngày có hiệu lực | 12/11/2013 |
Loại văn bản | Hướng dẫn |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ninh |
Người ký | Nguyễn Văn Minh |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
UBND TỈNH QUẢNG NINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4772/HD-STC |
Quảng Ninh, ngày 12 tháng 11 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN
VỀ LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ CẤP PHÁT, THANH QUYẾT TOÁN NGUỒN VỐN HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2013/QĐ-TTG NGÀY 26/4/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ qui định chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Căn cứ Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;
Căn cứ Quyết định số 2263/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn Tỉnh;
Sở Tài chính hướng dẫn một số điểm về công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Nguyên tắc quản lý nguồn kinh phí:
- Nguồn kinh phí hỗ trợ phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách và phải được chi trả kịp thời cho đối tượng được hỗ trợ.
- Phải được công khai minh bạch về đối tượng, mức hỗ trợ cho từng trường hợp (xây mới hoặc sửa chữa) thông qua hệ thống phát thanh thôn, xã; niêm yết danh sách tại nhà văn hóa thôn/bản/khu phố, trụ sở Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn và thông báo đến từng hộ gia đình được hỗ trợ.
- Ngoài các cơ quan chức năng của huyện, xã; quá trình tổ chức thực hiện phải có sự tham gia giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã và Ban công tác mặt trận thôn/bản/khu phố.
2. Mức hỗ trợ và nguồn vốn hỗ trợ:
a- Về mức hỗ trợ:
- Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở có hư hỏng nặng, phải phá dỡ toàn bộ để xây nhà mới.
- Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở hiện có.
b- Nguồn vốn hỗ trợ:
- Ngân sách trung ương hỗ trợ 80%, ngân sách tỉnh đảm bảo 20% nhu cầu kinh phí theo mức hỗ trợ nêu tại khoản a nêu trên.
- Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, tùy thuộc khả năng ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố và nguồn kinh phí vận động ủng hộ của cộng đồng; các địa phương có thể bố trí hỗ trợ thêm nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ gia đình được hỗ trợ.
3. Lập dự toán kinh phí hỗ trợ:
- Ủy ban hân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở và nhu cầu kinh phí hỗ trợ (theo mẫu biểu số 1 đính kèm), gửi Phòng lao động Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính kế hoạch thẩm định, xét duyệt và tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân cấp huyện phê duyệt.
- Sau khi phê duyệt sách và nhu cầu kinh phí hỗ trợ đối tượng người có công với cách mạng về nhà ở, Ủy ban Nhân dân cấp huyện gửi danh sách, kèm theo Quyết định phê duyệt về Sở Xây dựng để tổng hợp.
- Trên cơ sở danh sách và nhu cầu kinh phí hỗ trợ đối tượng người có công với cách mạng về nhà ở của các huyện, thị xã, thành phố; Sở Xây dựng tổng hợp (theo mẫu biểu số 2), gửi Sở Tài chính để thẩm định, trình Ủy ban Nhân dân Tỉnh phê duyệt nhu cầu và phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ.
4. Quản lý cấp phát nguồn kinh phí hỗ trợ:
- Căn cứ quyết định phân bổ vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của Ủy ban nhân dân tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính sẽ thông báo để các địa phương tiến hành rút dự toán bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện theo mẫu giấy rút dự toán bổ sung từ ngân sách cấp trên (mẫu số C2-09/NS).
- Căn cứ tiến độ triển khai thực hiện Đề án của xã/phường/thị trấn và nguồn kinh phí được cấp, Phòng Tài chính kế hoạch trình Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ kinh phí cho từng xã/phường/thị trấn;
- Căn cứ quyết định phân bổ kinh phí của Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Phòng tài chính kế hoạch thực hiện cấp kinh phí ủy quyền về tài khoản tiền gửi của Uỷ ban nhân dân cấp xã mở tại Kho bạc nhà nước theo chương 760, khoản 527, tiểu mục 7161 của lục ngân sách nhà nước hiện hành.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm rút kinh phí để thực hiện chi trả tiền đến từng đối tượng được hỗ trợ. Việc chi trả tiền hỗ trợ được lập danh sách cấp tiền (theo mẫu biểu số 3a, 3b đính kèm) và được thực hiện tại các thời điểm:
+ Tạm ứng lần đầu theo đề nghị của hộ gia đình khi bắt đầu triển khai thực hiện sửa chữa hoặc xây mới nhà (có đơn đề nghị tạm ứng của hộ gia đình theo mẫu số 4 đính kèm). Mức tạm ứng không vượt quá 60% kinh phí được hỗ trợ.