Hướng dẫn 40/HD-SLĐTBXH thực hiện Quyết định 3856/QĐ-UBND về phân cấp Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp một lần đối với người có công với Cách mạng từ trần do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 40/HD-SLĐTBXH
Ngày ban hành 27/05/2008
Ngày có hiệu lực 27/05/2008
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Nguyễn Hùng Hiệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 40/HD-SLĐTBXH

Đà Nẵng, ngày 27 tháng 05 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 3856/QĐ-UBND NGÀY 16/5/2008 CỦA UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG VỀ VIỆC PHÂN CẤP CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ MAI TÁNG PHÍ VÀ TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TỪ TRẦN

Thực hiện Quyết định số 3856/QĐ-UBND ngày 16 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện trực thuộc thành phố Đà Nẵng giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp 1 lần đối với người có công với cách mạng từ trần, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các quận, huyện thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

I. NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG KHI TỪ TRẦN, THÂN NHÂN ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ MAI TÁNG PHÍ VÀ TRỢ CẤP 1 LẦN

1. Chế độ mai táng phí:

Người có công với cách mạng (sau đây viết là người có công) theo quy định cụ thể tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/6/2006 của Chính phủ khi từ trần mà không hưởng chế độ BHXH như: đang công tác có tham gia đóng BHXH bắt buộc; hưởng chế độ hưu trí thì người tổ chức tang lễ được nhận mai táng phí số tiền bằng 10 tháng lương tối thiểu.

2. Chế độ trợ cấp 1 lần:

Người có công đang hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng theo quy định cụ thể tại Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/6/2006 của Chính phủ (trừ khoản trợ cấp người phục vụ thương, bệnh binh nặng; người hưởng tuất từ trần của thương, bệnh binh, tuất cán bộ LTCM, Cán bộ "Tiền khởi nghĩa") khi từ trần, thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp của người có công cách mạng khi còn sống được hưởng.

3. Nguyên tắc giải quyết.

Đối với người có công hưởng nhiều chế độ trợ cấp (thường xuyên, một lần) theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì chi giải quyết tiền mai táng phí 1 chế độ. Đối với người có công từ trần đang hưởng trợ cấp Mất sức lao động (do cơ quan Bảo hiểm Xã hội quản lý và chi trả), để tránh việc cả 2 cơ quan cùng chi trả tiền mai táng phí vì vậy khi giải quyết phải có xác nhận không chi trả tiền mai táng phí của cơ quan Bảo hiểm Xã hội quận, huyện.

Người có công từ trần, thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp được tính kể từ tháng tiếp theo của tháng từ trần. Đối với người có công đang hưởng nhiều chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng khác nhau theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp người có công đang hưởng trước khi từ trần. Người có công từ trần, trợ cấp hàng tháng được giải quyết dứt điểm trong tháng đối tượng từ trần (căn cứ vào Giấy chứng tử do cơ quan có thẩm quyền cấp) và báo giảm trợ cấp tháng tiếp theo. Trong trường hợp báo giảm trợ cấp chậm mà thân nhân tiếp tục hưởng trợ cấp các tháng tiếp theo thì việc giải quyết trợ cấp 1 lần bị khấu trừ các tháng mà thân nhân đã hưởng theo Sổ lĩnh tiền sau khi người có công từ trần. Nếu thân nhân của người có công từ trần tiếp tục nhận trợ cấp quá 3 tháng thì Cán bộ phụ trách chính sách người có công tại xã, phường phải bồi hoàn số tiền mà thân nhân của người có công hưởng sai quy định và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

II. THỦ TỤC HỒ SƠ, TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT VÀ CHẾ ĐỘ LƯU TRỮ HỒ SƠ

1. Thủ tục hồ sơ và trình tự giải quyết

Khi người có công từ trần, thân nhân trực tiếp báo với Cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường để được hướng dẫn lập các thủ tục như: Giấy chứng tử, bản khai của thân nhân (theo mẫu quy định).

+ Hồ sơ bao gồm:

- Giấy chứng tử do UBND xã, phường cấp (bản sao)

- Bản khai của thân nhân người từ trần (có UBND xã, phường xác nhận)

- Phiếu báo giảm do UBND xã, phường lập

- Sổ lĩnh tiền hàng tháng (đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng)

- Thẻ Bảo hiểm Y tế (diện người có công)

- Bản sao Quyết định trợ cấp 1 lần tù đày tra trấn hoặc Kỷ niệm chương (đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần)

- Bản sao Quyết định trợ cấp 1 lần hoặc Huân, Huy chương kháng chiến (đối với người có công giúp đỡ cách mạng và người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp 1 lần không hưởng chế độ BHXH).

Sau khi kê khai đầy đủ theo quy định, thân nhân của người có công từ trần nộp hồ sơ cho Ủy ban nhân dân xã, phường thông qua Tổ một cửa liên thông. Cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường kiểm tra lập Phiếu báo giảm trợ cấp (việc này trước đây do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện) trình Ủy ban nhân dân xã, phường ký xác nhận và chuyển hồ sơ lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông qua Tổ một cửa liên thông quận, huyện.

Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội sau khi kiểm tra hồ sơ đối chiếu danh sách quản lý nếu đủ điều kiện thì trình Ủy ban nhân dân quận, huyện ký quyết định giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp 1 lần (Có mẫu quyết định kèm theo). Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện mời thân nhân người từ trần đến nhận các khoản trợ cấp theo quyết định.

2. Lưu trữ hồ sơ.

Sau khi Ủy ban nhân dân quận, huyện ra Quyết định giải quyết chế độ và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ trợ cấp cho thân nhân người có công từ trần. Hồ sơ được lưu trữ như sau:

Bản khai của thân nhân người có công từ trần, Giấy chứng tử, Phiếu báo giảm trợ cấp … và Quyết định giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp 1 lần của UBND quận, huyện do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, lưu giữ để phục vụ cho công tác quyết toán và thanh, kiểm tra sau này.

Gửi Quyết định giải quyết mai táng phí và trợ cấp 1 lần về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Thương binh - Liệt sĩ và Người có công) để theo dõi và ghép vào hồ sơ lưu trữ. Đối với thân nhân liệt sĩ từ trần, Bà mẹ VNAH từ trần ngoài Quyết định mai táng phí và trợ cấp 1 lần còn kèm theo Bản khai của thân nhân người từ trần (do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phô tô).

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ