Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Hướng dẫn 167-HD/BTGTW năm 2015 thực hiện Kết luận 100-KL/TW về “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội” do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu 167-HD/BTGTW
Ngày ban hành 26/12/2015
Ngày có hiệu lực 26/12/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Vũ Ngọc Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 167-HD/BTGTW

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 100-KL/TW, NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2014 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ VIỆC “ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA, NẮM BẮT, NGHIÊN CỨU DƯ LUẬN XÃ HỘI”

Thực hiện Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”; sau khi thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức Trung ương (công văn số 9419-CV/BTCTW, ngày 28 tháng 7 năm 2015), Văn phòng Trung ương (công văn số 5082-CV/VPTW/nb, ngày 03 tháng 8 năm 2015), Bộ Tài chính (công văn số 16210-CV/BTC-VI, ngày 03 tháng 11 năm 2015), Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và triển khai thực hiện quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư đến tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

- Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong công tác lãnh đạo, quản lý.

- Đổi mới cơ chế, điều kiện, phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bộ phận làm công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác này; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác dư luận xã hội.

2. Yêu cầu

- Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo trong Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư về việc “đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.

- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo, rà soát, đôn đốc và triển khai thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

- Việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương, cơ quan, đơn vị đồng thời phải có căn cứ khoa học, có lộ trình, cách làm phù hợp, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội

Kết luận 100-KL/TW của Ban Bí thư chỉ rõ:

- Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (sau đây gọi tắt là công tác dư luận xã hội) nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của Nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thể thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; cần quan tâm, chỉ đạo, định hướng hoạt động, bố trí cán bộ, các điều kiện bảo đảm cho công tác này.

- Công tác dư luận xã hội phải bám sát thực tiễn xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát những vấn đề, sự kiện mà Nhân dân quan tâm; thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước để phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

- Đối với các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, trước khi xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và sau một thời gian tổ chức thực hiện phải tiến hành điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.

2. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội

2.1. Kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác dư luận xã hội

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương. Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội là cơ quan chủ trì, đầu mối chính tổ chức thực hiện điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội trong phạm vi toàn quốc và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác dư luận xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp tỉnh, thành phố và cộng tác viên dư luận xã hội cấp trung ương.

- Các thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh đại diện cho các khu vực trọng điểm, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Yên Bái, Nghệ An, Đắk Lắk được thành lập phòng (trung tâm) nghiên cứu dư luận xã hội ở các tỉnh ủy, tổ chức khác đã thành lập phòng (trung tâm) dư luận xã hội, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các phòng (trung tâm) này.

- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương chưa thành lập phòng (trung tâm) dư luận xã hội, tùy theo điều kiện cụ thể, thành lập phòng, bộ phận hoặc bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác dư luận xã hội (ưu tiên lựa chọn cán bộ được đào tạo chuyên môn về tâm lý học, xã hội học hoặc báo chí) trực thuộc ban tuyên giáo cấp ủy, cơ quan cùng cấp. Biên chế của các phòng (trung tâm) dư luận xã hội, bộ phận chuyên trách làm công tác dư luận xã hội nằm trong tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền phân bổ cho địa phương, tổ chức, đơn vị./.

- Bộ phận làm công tác dư luận xã hội đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; định kỳ gửi báo cáo dư luận xã hội về Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội theo quy định; có trách nhiệm tham mưu giúp ban tuyên giáo cấp ủy chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo và cộng tác viên dư luận xã hội cấp quận, huyện và tương đương.

2.2. Nội dung, phương thức điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội

- Nội dung điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội cần bám sát việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và quá trình cụ thể hóa các chủ trương, chính sách đó tại địa phương, ngành, đoàn thể (nhất là các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, địa phương, ngành, đoàn thể); những vấn đề, sự kiện được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm.

- Việc nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội phải khách quan, trung thực, kịp thời và đầy đủ các luồng ý kiến dư luận xã hội; phân tích, chỉ ra nguyên nhân của các luồng ý kiến dư luận, trên cơ sở đó, đưa ra những dự báo, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, định hướng dư luận.

[...]